PGS .TS Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm y tế, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vắc-xin Rotavin-M1 cho biết: “Đây cũng là loại vắc-xin đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất từ chủng virus của người Việt Nam nên hoàn toàn phù hợp với người Việt”.
Tháng 5 năm 2012, vắc-xin này được Bộ Y tế cấp phép và đưa ra thị trường. Đến nay đã có 100.000 trẻ tại 60 tỉnh, thành phố được tiêm vắc-xin Rotavin-M1. Theo PGS.TS Lê Thị Luân, nếu vắc-xin này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm có thể đáp ứng được với số lượng 3-4,5 triệu liều/năm. Hiện nay Trung tâm đã sản xuất gần 300.000 liều vắc-xin Rotavin-M1 để tiêm tại các điểm chủng ngừa vắc-xin dịch vụ được ngành y tế cấp phép. Giá thành cho một liều uống vắc-xin Rotavin-M1 khoảng 600.000 đồng (uống làm 2 lần). Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với vắc-xin ngừa virus tiêu chảy loại nhập ngoại.
Thành công từ đề tài nghiên cứu này đã góp phần giải quyết gánh nặng bệnh tật khi tỷ lệ mắc tiêu chảy do virus Rota chiếm trên 50% trong tổng số trẻ em dưới 5 tuổi bị tiêu chảy vào điều trị tại một số bệnh viện Nhi lớn trong nước.
Tiêu chảy do Rotavirus nguy hiểm hơn các bệnh tiêu chảy khác vì hiện nay bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Các trường hợp sử dụng kháng sinh không có tác dụng làm giảm nhẹ bệnh mà có thể còn làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu chảy. Khi nhiễm virus này trẻ có biểu hiện sốt, nôn mửa nhiều và sau đó là tiêu chảy. Phân lỏng hoàn toàn, có lúc màu xanh nhưng không có máu, tiêu chảy nôn có thể lên đến 20 lần mỗi ngày. Triệu chứng này dẫn đến mất nước và điện giải. Thông thường bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thế kéo dài đến 2 tuần. Để phân biệt tiêu chảy do Rotavirus hay tác nhân khác thường dựa vào các triệu chứng nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm.
Hiện nay việc chủng ngừa tiêu chảy do Rotavirus chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, vì vậy trẻ cần được uống bổ sung thêm vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus càng sớm càng tốt chứ không phải đợi đến khi trẻ trong giai đoạn nhiễm bệnh mới uống.