Bầu cử Mỹ

Đã có khoảng 41 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm

Đã có khoảng 41 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 chuẩn bị chính thức bắt đầu. Hiện tại theo các bảng thăm dò mới nhất cũng là lần cuối cùng của các kênh truyền hình và tờ báo lớn ở Mỹ, lợi thế đang nghiêng về phía ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, với điểm số cách biệt an toàn với ông Donald Trump.

Lá phiếu quyết định của đại cử tri 

Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ được bầu bởi các đại cử tri (Elector) của các bang chứ không phải do cử tri (voter) trực tiếp bầu. Lá phiếu của cử tri gọi là lá phiếu phổ thông, tuy vẫn bầu cho các ứng cử viên tổng thống, song chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại cử tri cho bang của mình.

Đại cử tri là những người đã công khai cam kết ủng hộ cho một ứng cử viên từ trước. Mỗi bang sẽ cử ra số đại cử tri bằng đúng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của bang, tuy nhiên, sẽ không có một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri. Hiến pháp Mỹ có rất ít điều khoản quy định các tiêu chuẩn cụ thể để trở thành đại cử tri, chỉ nêu rằng nghị sĩ hoặc một quan chức chính phủ liên bang không thể được chỉ định làm đại cử tri.

Số lượng đại cử tri của mỗi bang thường được quyết định dựa vào dân số của bang đó. Do đó, ở hầu hết các bang (trừ Maine và Nebraska), ứng cử viên tổng thống nào được nhiều phiếu phổ thông nhất thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của đại cử tri của bang đó. Các đại cử tri hợp thành cử tri đoàn (Electoral College) của bang. Cả nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, bằng số ghế trong Quốc hội Mỹ là 535 cộng thêm 3 đại cử tri của thủ đô Washington.

Quy trình chọn đại cử tri gồm 2 vòng: Đầu tiên, các đảng ở mỗi bang sẽ chọn một loạt ứng cử viên đại cử tri tiềm năng trước ngày bầu cử. Tiếp đó, vào ngày bầu cử, cử tri phổ thông tại mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri ở bang đó bằng cách bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống. Về cơ bản, các đảng sẽ đề cử một danh sách đại cử tri tiềm năng tại kỳ họp đại hội đảng của bang mình hoặc họ có thể chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban trung ương đảng. Quá trình này diễn ra ở từng bang và tuân theo quy định của bang đó, nhưng cũng có thể theo quy định chung cho toàn quốc của đảng đó.

Kết quả cuối cùng là mỗi ứng cử viên tổng thống sẽ có một danh sách các đại cử tri tiềm năng ủng hộ mình. Các đảng chính trị thường chọn những người cống hiến tận tụy cho đảng để làm đại cử tri. Đó có thể là các quan chức dân cử của bang, lãnh đạo đảng tại bang đó hoặc người có mối quan hệ chính trị hoặc cá nhân với ứng cử viên tổng thống của đảng mình.

Giai đoạn thứ hai của quá trình bầu đại cử tri diễn ra trong ngày bầu cử. Khi mỗi cử tri ở từng bang đi bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống mà họ ủng hộ, họ đồng thời cũng chọn ra các đại cử tri cho bang mình. Tên của đại cử tri tiềm năng có thể có hoặc không xuất hiện trên lá phiếu (nếu có thì tên họ sẽ nằm dưới tên ứng cử viên tổng thống), tùy thuộc vào quy trình bầu cử và phương thức bỏ phiếu ở từng bang.

Không có quy định trong hiến pháp hay luật liên bang Mỹ bắt buộc các đại cử tri phải bầu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện. Dù vậy, một số bang vẫn yêu cầu việc này. Những cam kết như vậy có thể chia thành hai nhóm: đại cử tri bị ràng buộc bởi luật của bang và đại cử tri bị ràng buộc bởi cam kết với đảng của mình.

Tòa án Tối cao Mỹ khẳng định hiến pháp không yêu cầu phải cho các đại cử tri được toàn quyền quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống nào nên một số đảng có thể buộc họ cam kết bỏ phiếu cho ứng cử viên do đảng mình đề cử. Một số bang thì quy định “các đại cử tri không trung thành” có thể bị phạt hoặc tước quyền bầu cử nếu bỏ phiếu không hợp lệ hoặc sẽ bị thay thế bởi một đại cử tri “dự bị”. Trên thực tế, hiếm có cử tri nào đi ngược lại kết quả bỏ phiếu phổ thông. Theo Trung tâm lưu trữ quốc gia Mỹ, trong lịch sử “xứ cờ hoa”, hơn 99% đại cử tri bỏ phiếu đúng như những gì họ cam kết.

Ứng cử viên tổng thống nào giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri, tức là trên 50% trong số 538 phiếu đại cử tri, sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nếu không có ứng cử viên tổng thống nào được quá bán thì hai người có số phiếu cao nhất sẽ được gửi lên Hạ viện. Tại đây, tổng thống được bầu theo đa số dựa trên cơ sở mỗi bang một phiếu và ứng cử viên nào được 26 phiếu sẽ đắc cử. Với vị trí Phó Tổng thống, nếu không có ứng cử viên nào được quá bán, Thượng viện sẽ chịu trách nhiệm bầu lại.

41 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm

Đã có khoảng 41 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm từ ngày 22/10 đến nay để bầu Tổng thống Mỹ, nghị sỹ hai viện của Quốc hội và Thống đốc các bang. Các cuộc thăm dò dư luận ngày 7/11 của ABS News, ABC News, Bloomberg, NBC News cho thấy, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton đang dẫn trước ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa từ 3-6 điểm. 

Tại bang Florida, hiện đã có 49,94% cử tri đi bỏ phiếu sớm, trong đó số cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu nhiều hơn Cộng hòa là 88.000 người.

Những nỗ lực phút chót

Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử, cả hai ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump đều nỗ lực thực hiện các cuộc vận động tranh cử tới những phút cuối cùng nhằm củng cố chiến thắng tại các bang truyền thống và thuyết phục lá phiếu của cử tri tại các bang còn do dự.

Đã có khoảng 41 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm ảnh 1

Cử tri Mỹ tham gia sự kiện "Souls to the Polls" tại Cutler Bay, Florida nhằm mục đích kêu gọi những người đi lễ nhà thờ đi bỏ phiếu tại bang Florida. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton trong ngày 7/11 tiến hành 4 cuộc vận động qui mô lớn tại thành phố Pittsburg, tiểu bang miền Đông Pennylvania, Michigan, thành phố Philadelphia và North Carolina. Phát biểu trước đám đông những người ủng hộ, bà Hillary Clinton cam kết sẽ trở thành tổng thống của mọi người dân Mỹ và hàn gắn những chia rẽ của nước này. Tuy nhiên, tâm điểm của ngày vận động tranh cử cuối cùng là cuộc vận động tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. 

Cùng với Florida, bang ennsylvania với 20 phiếu đại cử tri được đánh giá là những nơi sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Sát cánh cùng bà Hillary tại Pennsylvania có cả Tổng thống Barack Obama, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama và ngôi sao ca nhạc Bruce Springsteen. Ông Obama kêu gọi người dân Mỹ nắm bắt cơ hội năm nay để lần đầu tiên trong lịch sử có một nữ tổng thống.

Trong khi đó, ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã tiến hành 5 cuộc vận động con thoi trước "Giờ G" tại Florida, North Carolina, Pennsylvania, New Hampshire và Michigan. Phát biểu với báo giới, ông Trump cho rằng đây là thời điểm người dân Mỹ thể hiện công lý trên lá phiếu của mình. Ứng viên này tuyên bố việc ông giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ là "dấu chấm hết cho tình trạng tham nhũng chính trị" tại Mỹ.

Kết quả hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trên toàn nước Mỹ trong ngày 7/11 đều cho thấy bà Clinton vẫn duy trì thế dẫn điểm từ 2-4% trước ông Trump. Thậm chí thăm dò của Reuters/Ipos cho kết quả cựu Ngoại trưởng Mỹ hiện có tới 90% cơ hội trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Trong khi đó, thăm dò của tờ Los Angeles Times cho thấy ông Trump đang dẫn điểm bà Clinton 2% số phiếu ủng hộ tại các bang dao động.

Tính tới ngày 7/11, đã có hơn 40 triệu cử tri Mỹ tham gia các cuộc bầu cử sớm, chiếm khoảng 30% so với tổng số cử tri tham gia bầu cử trong năm 2012. Dự kiến trong ngày bầu cử 8/11, sẽ có khoảng 120 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để bầu tổng thống, toàn bộ số nghị sĩ Hạ viện, 1/3 số nghị sĩ Thượng viện và thống đốc các bang. Công tác chuẩn bị đã được hoàn tất và an ninh cũng được tăng cường trên toàn quốc sau khi các cơ quan tình báo nước này nhận được cảnh báo nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố al-Qeada có âm mưu thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trong ngày bầu cử.

Bà Hillary Clinton dẫn trước

Chỉ còn chưa đầy 12 tiếng đồng hồ nữa điểm bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Hiện tại theo các bảng thăm dò mới nhất cũng là lần cuối cùng của các kênh truyền hình và tờ báo lớn ở Mỹ, lợi thế đang nghiêng về phía ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, với điểm số cách biệt an toàn với ông Donald Trump.

Tại bảng thăm dò công bố hôm Chủ nhật (6/11) do NBC News/Wall Street Journal thực hiện, bà Clinton dẫn trước 4 điểm so với đối thủ Trump, với tỉ lệ lần lượt là 44-40%. Trong khi đó, tại bảng thăm dò mới nhất của tờ ABC và Washington Post, nữ ứng viên cũng tạo khoảng cách 5 điểm. 

Với bảng thăm dò của kênh truyền hình CBS News và tờ New York Times, tình hình dành cho ứng viên tỷ phú 70 tuổi đảng Cộng hòa cũng không hề khá khẩm hơn khi kém nữ cựu Ngoại trưởng tận 3 điểm. Kết quả của kênh truyền hình CNN và Fox cũng cho thấy lợi thế đang tạm nghiêng về phía bà Hillary Clinton, khi tỷ lệ ủng hộ bà đạt mốc 49%, hơn 5 điểm so với ông Trump.

Ngoài ra, xét trên bản đồ bầu cử hiện tại, giới phân tích cũng khá yên tâm khi thấy bà Clinton đang chiếm lợi thế. Theo số liệu thống kê của trang Realclearpolitics, sẽ có 168 đại cử tri chắc chắn bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ và 51 phiếu đại cử tri có xu hướng nghiêng về phía đảng này. Trong khi đó, có tổng cộng 164 phiếu đại cử tri trên 18 bang bỏ phiếu ứng cử viên Cộng hòa. Vậy chỉ còn 155 phiếu đại cử tri tại các bang chiến địa là sẽ là lá phiếu quyết định xem ai sẽ ngồi lên ngôi vị Tổng thống. 

Các chuyên gia phân tích nhận định nếu như ai trong số hai ứng viên nhận được sự ủng hộ từ các đại cử tri đến từ bang Florida (29 phiếu) thì người đó dường như nắm chắc phần thắng trong tay.

* Thấy gì từ cuộc bỏ phiếu sớm?

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, việc gần 30% số cử tri Mỹ đã bỏ phiếu được coi là một lợi thế dành cho bà Clinton vì bầu cử sớm diễn ra vào thời điểm trước khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố mở lại vụ điều tra và tỷ lệ ứng cử viên Dân chủ còn rất cao.

Giới phân tích nhận định cuộc bầu cử năm nay sẽ có 17 bang với tổng cộng 200 phiếu đại cử tri chắc chắn bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ. Bên cạnh dó là 5 bang có xu thế bỏ phiếu cho Dân chủ gồm Colorado, Michigan, Nevada, Wisconsin và Virginia với tổng cộng 54 phiếu đại cử tri.

Trong khi đó, có 18 bang với tổng cộng 144 phiếu đại cử tri sẽ chắc chắn bỏ phiếu ứng cử viên Đảng Cộng hòa và cũng có 5 bang có xu thế bỏ phiếu cho Cộng hòa với tổng cộng 46 phiếu đại cử tri.

Như vậy, mọi chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động bầu cử tại các bang còn dao động như Florida, Maine tại khu vực bầu cử số 2, Nebraska tại khu vực bầu cử số 2, New Hampshire, North Carolina, Ohio, Utah và Pennsylvania với tổng cộng 94 phiếu đại cử tri.

Trước khi bước vào “trận đánh lớn”, ứng cử viên Cộng hòa dường như đang đối mặt với nhiều áp lực hơn. Nhiệm vụ của tỷ phú Trump là vừa phải giữ bằng được chiến thắng tại các bang ủng hộ truyền thống, vừa phải đánh bại bà Clinton tại các bang chiến địa có số phiếu đại cử tri cao như Florida (29 phiếu), Pennsylvania (20 phiếu) và Ohio (18 phiếu).

Chỉ cần lỡ nhịp tại 1 trong số 3 bang này, cánh cửa bước vào Nhà Trắng có thể sẽ khép lại đối với ông. Cũng chính vì tầm quan trọng của các bang chiến địa, cả hai ứng cử viên đều nỗ lực tiến hành vận động tới tận những phút cuối cùng tại Pennsylvania và Florida với hy vọng thuyết phục lá phiếu của các cử tri còn do dự.

* Bà Hillary Clinton hứng "trận đòn" mới của WikiLeaks

Trước đó, ngày 13/10 vừa qua, WikiLeaks đã tiếp tục tiết lộ thêm gần 2.000 thư điện tử nội bộ thuộc ban vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, nâng tổng số e-mail bị rò rỉ được công bố trong tuần qua lên 9.000 thư.

Đây là lần thứ 7 WikiLeaks công bố các e-mail tiết lộ về những "góc khuất" phía sau chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Trước đó, WikiLeaks cũng công bố thêm các e-mail liên quan đến chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Dân chủ, trong đó các cố vấn của bà thảo luận về cách thức tốt nhất để công bố lập trường phản đối dự án gây tranh cãi Keystone XL do Tập đoàn TransCanada Corp (Canada) và Tập đoàn ConocoPhilips (Mỹ) đề xuất năm 2008.

Theo WikiLeaks, những e-mail được tiết lộ nằm trong tổng số 50.000 e-mail bị rò rỉ của Chủ tịch chiến dịch tranh cử John Podesta có thể gây bất lợi cho bà Clinton.

Theo Theo Thể thao văn hóa
MỚI - NÓNG