Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik |
“Một số người thường xuyên xuất hiện và đưa ra một số tuyên bố, thậm chí đang cố gắng đe dọa chúng tôi, ví dụ dọa tấn công Crimea”, ông Medvedev nói.
“Trong trường hợp điều đó xảy ra, Ngày Phán xét sẽ đến với tất cả bọn họ cùng lúc, một cách nhanh chóng và khốc liệt.”
Cựu Tổng thống, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nói rằng bất chấp nguy cơ, giới lãnh đạo Ukraine vẫn “tiếp tục kích động tình hình chung bằng những tuyên bố như vậy.”
Theo ông Medvedev, đến một lúc nào đó các nhà chức trách Ukraine phải nhận ra rằng Nga sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu của mình ở Ukraine, bao gồm cả phi quân sự hóa và phi phát xít hóa.
Ông cho rằng Kiev muốn chống lại các lực lượng Nga “đến người Ukraine cuối cùng”, nhưng điều này có thể sẽ phản tác dụng, dẫn đến “sự sụp đổ của chế độ chính trị hiện tại”.
Cựu Tổng thống thừa nhận rằng thân nước Nga đang trải qua một giai đoạn "rất khó khăn" trong lịch sử. Tuy nhiên ông bày tỏ sự tin tưởng rằng Nga sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc xung đột hiện tại.
“Chúng tôi sẽ đạt được các mục tiêu đã đặt ra nhân danh sự phát triển của đất nước chúng tôi và không để các cựu chiến binh thân yêu của chúng tôi thất vọng, những người đã bảo vệ tổ quốc trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”, ông Medvedev kết luận.
Thượng nghị sĩ Nga Andrey Klishas cũng đưa ra những tuyên bố tương tự ông Medvedev, nói rằng “các mối đe dọa từ chính quyền Ukraine về việc tấn công Crimea hoặc Cầu Crimea là bằng chứng cho thấy việc phi quân sự hóa và phi phát xít hóa phải được thực hiện trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine”.
Trong khi đó, nghị sĩ Mikhail Sheremet, người đại diện cho bán đảo Crimea tại Quốc hội Nga, đe dọa sẽ nhắm vào Ukraine bằng một đòn trả đũa khắc nghiệt đến mức nước này sẽ không bao giờ có thể phục hồi.
Những lời cảnh báo từ giới chức Nga được đưa ra sau khi phát ngôn viên Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, Vadim Skibitskiy, cho biết hôm thứ 16/7 rằng Kiev coi Bán đảo Crimea là mục tiêu hợp pháp cho các loại vũ khí tầm xa mà phương Tây cung cấp.
“Ngày nay, Crimea đã trở thành điểm trung chuyển tất cả các vũ khí và thiết bị từ Nga đến phía Nam Ukraine”, phát ngôn viên Skibitskiy nói.
Crimea sáp nhập Nga năm 2014 sau quá trình trưng cầu dân ý. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau vụ đảo chính Maidan ở Kiev, khi phần lớn dân số nói tiếng Nga trên bán đảo từ chối công nhận chính quyền mới là hợp pháp.
Ukraine cùng với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn coi Crimea là một phần lãnh thổ Ukraine.