PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, đây là ca biến chứng viêm não đầu tiên trong giai đoạn cấp được chữa khỏi.
Ở giai đoạn này, nếu đã được cứu chữa thành công thì hầu như không để lại di chứng nào đáng tiếc. Trong khi, đa số các ca biến chứng viêm não sau sởi nếu được chữa khỏi thì để lại di chứng nặng nề.
Bệnh nhi là bé Nguyễn Trường Nam, 9 tháng tuổi (quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh) được chuyển đến khoa Nhi, BV Bạch Mai ngày 19/4/2014 trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, độ bão hòa oxy dưới 90%. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành đặt máy hỗ trợ thở cho trẻ, điều trị bằng các thuốc chống co giật…
Trước đó 10 ngày, trẻ có dấu hiệu sốt và được chuyển đến BVĐK tỉnh Bắc Ninh điều trị, tình trạng bệnh có tiến triển, bệnh nhi hết sốt nhưng 5 ngày sau trẻ sốt lại khiến bệnh nặng lên rất nhanh. Trẻ có dấu hiệu khó thở, nổi ban rồi được chuyển lên BV Nhiệt đới TƯ điều trị trong 3 ngày.
Tại đây, bệnh nhi đã có dấu hiệu viêm phổi, đang trong quá trình điều trị thì xuất hiện các cơn co giật, hôn mê. Các bác sĩ đã tiến hành chọc dịch não tủy, và chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi. Sau đó, bệnh nhi được chuyển sang khoa Nhi, BV Bạch Mai điều trị.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng và BS Vũ Hữu Thời kiểm tra phim chụp của bệnh nhi. Ảnh: D.Hải.
“Cái khó của ca bệnh này là trẻ mới 9 tháng tuổi, vừa viêm phổi lại vừa viêm não, sau 8 ngày thở máy tình trạng bệnh nhân trở nên nặng nề, cơ thể suy giảm miễn dịch nặng, có lúc cơ thể tím đen, co giật liên tục, hôn mê sâu, đe dọa tử vong".
"Chứng kiến cảnh con em mình như vậy, gia đình đã nhiều lần xin về, chúng tôi vừa cứu chữa vừa phải giải thích tình trạng bệnh, còn nước còn tát chứ không thể rút máy thở khi vẫn còn cơ hội cứu chữa. Do đó, chúng tôi đã quyết định giữ trẻ lại điều trị và kết quả cuối cùng đã đưa cháu trở về khỏe mạnh bên gia đình” - PGS. Dũng nói.
BS. Vũ Hữu Thời (khoa Nhi) cho biết, cũng trong quá trình điều trị cho bé Nam, xuất hiện tình trạng bong da toàn thân. Trường hợp này đáng ngại nhất là da non dễ gây nhiễm trùng trên cơ thể trẻ nhiễm sởi đã giảm sức đề kháng. Do đó, các y bác sĩ phải chăm sóc ngoài da rất tỉ mỉ, giữ vệ sinh sạch sẽ, chống vi khuẩn yếm khí, bội nhiễm, tụ cầu…
Thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện. Ảnh: D.Hải.
Đến nay đã tròn 1 tháng trẻ được điều trị tại khoa Nhi, những lo lắng của gia đình sẽ mất đi đứa con chưa tròn một tuổi đã tan biến, thay vào đó là niềm vui đoàn tụ. Các bác sĩ đã cứu sống được ca bệnh tưởng chừng như không thể cứu chữa. Người mẹ trẻ sinh năm 1991 đã nở trên môi nụ cười sau những tháng ngày đẫm nước mắt khi thấy con mình khỏe mạnh, hồng hào, chân tay cử động hết sức linh hoạt….
Sau 1 tháng điều trị, bé Nguyễn Trường Nam đã khoẻ mạnh, nhanh nhẹn đùa nghịch với mọi người.
PGS. Dũng khuyến cáo, với bệnh nhi sởi, nếu tổn thương não, xuất hiện các triệu chứng co giật, sốt cao cần nghĩ ngay đến biến chứng viêm não để có hướng điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.
Theo Dương Hải