Đây là hội chứng ít gặp với những triệu chứng không đặc hiệu và đôi bị che lấp trong bệnh cảnh tiền sản giật, sản giật nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn và có thể bị bỏ qua. Mặc dù đã được nghiên cứu kỹ trên mọi phương diện cùng với sự tiến bộ của y học nhưng cho đến nay, tỷ lệ tử vong của hội chứng này vẫn còn cao tới 25%.
Trước đó ngày 20/11 bệnh nhân đi khám thai định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và làm bộ xét nghiệm chuẩn bị sinh thì phát hiện có tình trạng rối loạn đông máu, suy gan và suy thận, đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai), nơi có nhiều chuyên khoa phối hợp để có cơ hội cao nhất cứu sống hai mẹ con.
Khoảng 21h ngày 22/11, bệnh nhân đang truyền huyết tương tươi đông lạnh xuất hiện rét run, khó thở, co thắt thanh quản. Ngay lập tức bệnh nhân đã được xử trí theo phác đồ sốc phản vệ và hội chẩn toàn viện, thống nhất chuyển bệnh nhân sang Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị, theo dõi sát tình trạng sản phụ và thai nhi. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được xử trí: thở oxy, bù khối lượng tuần hoàn, duy trì vận mạch, lọc máu liên tục, kháng sinh liều cao và tiếp tục được hội chẩn toàn viện do GS.TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc bệnh viện chủ trì với sự tham gia của nhiều chuyên khoa sản, nhi, huyết học truyền máu, gây mê hồi sức, dị ứng… Kết luận Hội chẩn toàn viện thống nhất chẩn đoán: hội chứng HELLP trên thai 37 tuần/Sốc phản vệ nặng với chế phẩm máu - Suy đa tạng (rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy tuần hoàn). Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu lấy thai, tiếp tục truyền các chế phẩm máu trong và sau mổ.
Ngày 23/11 bệnh nhân được bác sĩ sản khoa mổ lấy thai với sự tham gia phối hợp của nhiều chuyên khoa liên quan: nhi, huyết học truyền máu, gây mê hồi sức... sẵn sàng ứng cứu và xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi. Sau 30 phút, kíp mổ đã lấy ra bé gái nặng 3 kg. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Khoa Nhi, BV Bạch Mai - người trực tiếp hồi sức cấp cứu cho cháu bé ngay sau khi ra khỏi bụng mẹ cho biết tình trạng của cháu rất nặng, gần như không thở, tim đập rời rạc, toàn thân tím tái, bác sĩ hồi sức tim phổi sơ sinh cấp cứu ngay tại phòng mổ, sau 3 phút toàn trạng của cháu đã tốt hơn. Sau 3 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi đã ổn định và được ra khỏi lồng ấp, trẻ tự bú được 30-50ml sữa/bữa và đang tăng cân. Sau sinh, sản phụ tỉnh táo, tình trạng suy gan, suy thận dần ổn định, không khó thở, đi lại nhẹ nhàng. Ngày 10/12, chị V.H.N đã được ra viện. Ngày 19/12, sản phụ N. đến khám lại và đón con gái xuất viện về nhà.