Cứu sống A Điêu

TP - Năm năm sau trận sạt lở núi kinh hoàng, A Điêu (xã A Rooi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) tưởng chỉ còn là cái tên giữa đại ngàn. Nhưng giờ, những mái nhà của thôn đã mọc lên san sát, kiên cố bên nhau. Sự hồi sinh kỳ diệu bằng tình người vẫn được bà con khắc ghi…

Cứu sống A Điêu ảnh 1 Những mái nhà A Điêu san sát mọc lên giữa lòng thôn Tu Ngung. Ảnh: Thanh Trần

Kinh hoàng

Cả thôn, từ trẻ nhỏ đến người già, ai từng trải qua trận sạt lở vào rạng sáng ngày 29/9/2009 cũng sẽ không thể nào quên, thậm chí kể lại vanh vách từng thời điểm. Hôm trước, mưa tầm tã, gió giật tơi bời, nghe tin có bão về, hơn 30 ngôi nhà A Điêu đóng cửa im lìm cố thủ. Mãi đến 5 giờ chiều trời mới lặng, cả thôn chắc rằng cơn bão đã qua, bắt đầu lại những sinh hoạt thường ngày. Nhưng đến 9 giờ đêm, nước từ trên núi chảy xuống lênh láng trước sân, sợ lũ, bà con rủ nhau kê đồ đạc lên cao. Càng khuya, nước càng lớn, thanh niên trong thôn ngược lên phía thượng nguồn tìm hiểu thì phát hiện hàng loạt cây cối, đất đá dồn về, nước ứ lại phía sau nhà ông A Mó (74 tuổi), ngôi nhà nằm trên cùng của thôn. 

Mọi người lập tức chạy về thôn báo động, kẻng réo liên hồi trong đêm tối như mực. Lúc đó đã 1 giờ sáng. A Rất Chung, 56 tuổi, người trong làng, nhớ lại: “Cả nhà đang ngủ, nghe bà con đập cửa hô: Chạy thôi, núi lở rồi!. Tôi cùng vợ bế con chạy bán sống bán chết qua phía bên kia con khe lánh nạn”. Chừng 30 phút sau, một tiếng ầm dữ dội vang lên, như quả bóng nước vỡ tung, nước từ rừng cao hung hãn lao xuống, kéo theo không biết bao nhiêu cây to mấy người ôm, từng khối đá khổng lồ càn quét qua thôn. Mấy đứa trẻ lần đầu chứng kiến vụ sạt khóc ré lên, người lớn ứa nước mắt, nghẹn ngào: Mất hết rồi…

Tận 3 giờ sáng, trận sạt lở mới tạm ngưng. 15 ngôi nhà là tổ ấm của hàng chục người đã bị cuốn phăng, chẳng còn một dấu vết. Gần chục ngôi nhà khác cũng bị ảnh hưởng trầm trọng như trôi mất phần bếp, lở sân, gãy cột xiêu vẹo… Nhắc lại chuyện, Hôih A Rí - cán bộ xã A Rooi, vẫn còn ám ảnh, chỉ nói được ba từ: “Kinh hoàng lắm!”.

Sáu hộ cõng cả thôn

Năm ấy, đường vào thôn chưa được trải nhựa như bây giờ, điện cũng chưa. A Điêu bị cô lập trong đêm. 5 giờ sáng, lực lượng cứu hộ mới lần mò vào được. Trước mắt họ A Điêu chẳng còn. Chẳng biết bắt đầu lục lọi, tìm kiếm từ đâu trước một bãi xà bần toàn bùn đất, cây cối. Điều may mắn duy nhất là không có thiệt hại về người. A Mó, 74 tuổi, kể: “Nghe báo động là vắt chân lên cổ chạy thoát thân, chẳng ai cầm theo được gì. Lúa gạo, tài sản, vật nuôi mất trắng”. A Mó đau hơn cả, khi gìn giữ chiếc ché từ đời ông nội để lại, đã bao người trả tới 10 triệu đồng không bán nay chẳng còn một mảnh vỡ. 

Không chỉ càn quét trong thôn, cây cầu treo duy nhất nối liền xã ra trung tâm huyện cũng bị cuốn phăng. Những ngày sau đó, A Rooi biến thành ốc đảo giữa đại ngàn, cán bộ xã phải xẻ rừng, mất nửa ngày đường về trung tâm huyện báo cáo tình hình và xin tiếp tế.

Cả thôn bấy giờ chỉ còn 6 hộ được bảo toàn, nghĩa là nhà cửa và ít lương thực dự trữ vẫn còn. Thương bà con chòm xóm, họ hiệp sức giúp đỡ. Ngày đầu sau trận sạt lở, 6 hộ trên cùng thanh niên các thôn lân cận tham gia đào bới trong đống đổ nát mong tìm lại được chút của cải. Hai ngày sau, khi mọi nỗ lực đều là vô vọng, họ bàn nhau đưa tất cả về sống trong nhà mình. Sáu căn nhà ở tới gần 30 hộ, chia nhau từng mét vuông để nằm, ngồi, đi lại. Một tuần trời, thấy không khả quan nếu tiếp tục chen chúc như thế, họ lại họp bàn, thống nhất cho bà con mượn đất xây nhà ở tạm. Vậy là hơn hai chục mái nhà nhỏ bé mọc lên trên mảnh đất canh tác của họ. 

Các cấp đã cứu trợ, song biết bao nhiêu cho đủ. Dân A Điêu ngập trong đói kém. Ruộng nương thì còn, mà cuốc xẻng, trâu bò, hạt giống mất trắng, bà con muốn canh tác rất khó khăn. Lần nữa, 6 hộ trên vét hết lương thực dự trữ nuôi miệng cả thôn. A Rất Bốt, 52 tuổi, nói nhẹ tênh: “Không lẽ mình cất lúa mà để bà con chết đói. Như thế là không tốt bụng rồi. Muốn làm ruộng, làm rẫy, phải ăn no đã”. Cứ thế, những mái nhà A Điêu nương tựa lẫn nhau, no cùng no, đói cùng đói, chẳng nề hà công của.

Hiến đất, dựng nhà cho thôn bạn

Cứu sống A Điêu ảnh 2

Già làng A Rất Vôn là người tiên phong hiến đất cho thôn bạn

Thôn Tu Ngung ở kề thôn A Điêu, chỉ có 13 hộ. Già làng A Rất Vôn mỗi đợt ngang qua A Điêu không khỏi xót lòng trước những mái nhà thấp tè, dựng tạm trên đất mượn. Sẵn có hơn 5 ngàn m2 đất trồng cây lâu năm, già định bụng sẽ hiến cho Tu Ngung, nhưng sợ chừng đó chưa đủ, già về triệu tập thôn họp khẩn. Già khẳng khái: “Thôn bạn A Điêu giờ khổ quá, đất cũng chẳng có để làm nhà. Bây giờ tôi tình nguyện hiến đất của mình, bà con ai có lòng, cứ đăng ký cùng tôi, tôi không ép!”.

Vừa đề xuất, cả thôn ai cũng gật, hóa ra đó là ý định lâu nay của họ nhưng không dám nói. Ngay ngày hôm sau, già A Rất Vôn lên trình bày với xã, được xã hoan nghênh nhiệt tình. Hơn 30 ngàn m2 đất của 13 hộ sẵn sàng tặng cho thôn bạn, trong đó có những nhà hiến tới 4-5 ngàn m2 như già làng Vôn, A Rất La Lui, A Rất Lang… A Rất Phu hiến gần 4 ngàn m2 đất cười: “Mình cho họ đất, họ về ở cùng vui biết mấy”.

Mọi thủ tục xong xuôi, cuối năm 2011, A Điêu hệt như ngày hội dựng nhà. Bà con các thôn A Bung, A Dung, Ka Đắp cách đó cả chục cây số nhộn nhịp kéo nhau về phụ thôn bạn. Thanh niên trai tráng chặt cây làm cột, bưng tôn lợp mái, cụ già ngồi làm sàn, buộc thép, phụ nữ lo nấu nướng. Chừng một tháng trời, hơn hai chục mái nhà A Điêu đã mọc lên kiên cố trên đất bạn, có nhà được lợp ngói, xây bằng xi măng. Hôih Cốc, 42 tuổi, cảm kích: “Không có Tu Ngung, không biết khi nào tôi mới hết cảnh ở tạm. Mùa mưa gió tôi rất lo nhà sập. Bây giờ, nhà mình xây trên cao, nền lát gạch hoa, mái lợp bờ-rô xi măng, có mơ mình cũng không dám nghĩ”. 

Ông Hôih Bảy - Chủ tịch UBND xã A Rooi, tâm sự: “Quả thật, Tu Ngung không tự nguyện hiến đất, huyện và các cấp trên sẽ phải rót một nguồn kinh phí không hề nhỏ để giải phóng mặt bằng, làm nơi định cư cho người dân thôn A Điêu. Dù được tiếp tế, cứu trợ rất nhiều sau thiên tai, nhưng không có sự tương trợ của các thôn khác thì A Điêu chắc sẽ khó hồi sinh được như hôm nay”. Đúng như lời ông nói, dân Tu Ngung sẵn sàng cho A Điêu mượn hạt giống, mượn trâu kéo cày...để làm ruộng, làm rẫy. Lễ tết, hội hè, A Điêu với Tu Ngung cùng đốt lửa giữa sân, nắm tay quay quần bên nhau. Già làng A Rất Vôn hào sảng: “A Điêu biết mình thương họ, nên đã hai lần mổ heo, mổ trâu thết cả thôn để cảm ơn rồi!”.

Trong cơn bão số 9 vào hai ngày 28, 29/9/2009, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) có 21 nhà bị vùi lấp do sạt lở đất. Riêng thôn A Điêu (xã A Rooi) có 15 ngôi nhà bị vùi lấp trong đêm 29/9. Sau bão, trên địa bàn huyện phát sinh thêm 49 hộ với 218 khẩu ở các xã A Rooi và Sông Kôn có nguy cơ sạt lở đất đe dọa, cần phải di dời khẩn cấp.
MỚI - NÓNG