Cựu du học sinh kết nối tìm việc

Rất nhiều du học sinh tìm đến Connect the dots
Rất nhiều du học sinh tìm đến Connect the dots
TP - Ngày hội nghề nghiệp - Connect the Dots là một hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, trong đó quan trọng nhất có hội chợ việc làm, đang được giới trẻ hoan nghênh.

Nhớ mang sơ yếu lý lịch để rải

Connect the Dots được Hiệp hội Cựu du học sinh Anh tại Việt Nam (UKAV) phối hợp cùng Hội đồng Anh tổ chức, với sự hỗ trợ của Hội sinh viên Việt Nam trường đại học Queen Mary - Vương quốc Anh vừa diễn ra vào cuối tháng 8 tại khách sạn Melia Hà Nội.

Chương trình bao gồm 2 phần chính: Hội thảo và Hội chợ. 

Chủ đề của hội thảo xoay quanh cơ hội việc làm của các công ty, chế độ đãi ngộ dành cho nhân viên và cơ hội thăng tiến tại mỗi công ty. Ngoài ra, nó còn có rất nhiều diễn đàn hướng dẫn: cách trả lời phỏng vấn, kinh nghiệm xin việc, kinh nghiệm nhảy việc, kinh nghiệm thích ứng v.v… Đây là lý do vì sao rất nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp cũng thích đến Connect the Dots.

Phần hội chợ, chính là nội dung được chào đón nhất: năm nay có tới 35 công ty tham gia tuyển dụng ở rất nhiều lĩnh vực: ngân hàng, kiểm toán, dịch vụ, viễn thông v.v....

Nguyễn Thanh Hà (công ty FPT) tham gia Connect the Dots từ năm 2013 và tìm được việc ngay sau đó. Cô chia sẻ: “nếu đã đến tham gia, tốt nhất nên mang theo CV (sơ yếu lý lịch) để… rải. Nhiều công ty phỏng vấn trực tiếp ở đây. Nếu may mắn, bạn có thể qua ngay vòng sơ tuyển. Rất tiếc, một số bạn chưa ý thức được lợi ích từ những ngày hội nghề nghiệp này, đi theo tinh thần “cưỡi ngựa xem hoa” và đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội. Tôi đã tìm được việc ngay từ lần tham gia đầu tiên. Bây giờ đang có kế hoạch nhảy việc, tôi lại đến”.

Để các công ty tuyển dụng và ứng viên có thể tiếp xúc, phỏng vấn hiệu quả, BTC đã phải giãn cách số người tham gia, không cho vào ồ ạt. Lúc ba rưỡi chiều, hàng người xếp hàng để vào phỏng vấn vẫn đứng kín hành lang khách sạn Melia. Đa số là các bạn trẻ mới tốt nghiệp. Rất nhiều người kè kè túi hồ sơ bên người.

Đừng kén cá chọn canh

Theo thống kê của chính phủ, mỗi năm có thêm gần nửa triệu sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam và hơn 100.000 sinh viên đi du học. Chuyện “khó tìm việc” không chỉ phổ biến ở nhóm các sinh viên trong nước, du học sinh cũng có thể vấp phải nan đề này.

Cựu du học sinh kết nối tìm việc ảnh 1

Hàng người xếp hàng dài chờ được tham gia phỏng vấn và rải CV.

Phạm Thành Vinh (cựu du học sinh Anh) cho biết, để có thời cơ làm việc sau khi tốt nghiệp ở Anh không dễ dàng vì các chính sách hạn chế nhập cư và đề xuất mức thu nhập tối thiểu 25.000 GBP/năm với những sinh viên nước ngoài đã tốt nghiệp đại học Anh. Vinh chọn cách về nước.

Chị Nguyễn Phương Mai (giám đốc Navigos Search - công ty tuyển dụng hàng đầu Việt Nam) chia sẻ: “Các nhà tuyển dụng của chúng tôi hay than phiền là du học sinh, nhất là nhóm tốt nghiệp ở các nước châu Âu và Mỹ thường rất kén cá chọn canh. Họ cho là mình có nhiều ưu thế và nhiều lựa chọn hơn, vì thế đưa ra những yêu cầu rất… khủng về lương và các chế độ đãi ngộ. Một số bạn đã vì thế làm mất những cơ hội nghề nghiệp tốt”.

Anh Nông Thế Hoàng (cựu du học sinh Anh, hiện đang làm việc tại công ty FPT) kể: “Tôi cũng từng kén cá chọn canh, cuối cùng phải chọn một công việc không mong muốn nhất, làm salle. Lương khởi điểm của tôi ở FPT là 2,8 triệu đồng/ tháng (thời điểm năm 2013). Tất nhiên, qua một thời gian phấn đấu, mức lương ấy bây giờ đã gấp 15-20 lần”.

 Chị Đinh Thị Thu Trang (Giám đốc công ty Hàng không Hải Âu) khuyên các bạn trẻ mới ra trường: “không nên ngồi một chỗ chờ cơ hội lý tưởng nhất, dù cho bạn có nhiều lợi thế đến đâu. Bởi bất cứ công việc nào cũng sẽ đem cho ta những kinh nghiệm nhất định”.

Tự hỏi mình nhiều hơn

Tại các hội thảo của Connect the Dot, câu hỏi được nhiều bạn trẻ nhắc đi nhắc lại nhất không phải là làm thế nào tìm được việc mà là: làm sao tìm được một công việc phù hợp nhất với mình? Có bạn đi làm mãi không thấy thỏa mãn. Có bạn không tìm thấy niềm vui trong công việc…

Chị Trần Minh Hường (giám đốc nhân sự Ngân hàng Standard Chartered) trả lời: “Hãy bớt thời gian facebook và lướt web, để tự hỏi mình thật nghiêm túc: mình muốn gì, giỏi nhất cái gì, ghét cái gì, yếu lĩnh vực nào? Chỉ có trả lời được câu hỏi của chính nội tâm bạn, bạn mới tìm ra được công việc mà mình mong muốn. Chỉ có yêu công việc bạn mới có thành tựu”.

Trần Thu Trang (cựu du học sinh tại Úc) có kinh nghiệm chuyển việc ba lần trong hai năm, đến khi đi xin việc mới, đều bị thắc mắc vì sao “nhảy việc quá nhiều”? Các công ty tuyển dụng sợ người nhảy việc nhiều sẽ không có khả năng thích ứng và vượt qua thử thách.

Chị Nguyễn Phương Mai (giám đốc Navigos Search) mách nước: “Thời gian để chuyển việc lý tưởng là hai năm - đủ để học hỏi và thành thạo một công việc gì đó. Và khi trong CV của bạn ghi nhiều lần nhảy việc, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ hỏi vì sao. Bạn nên chuẩn bị sẵn và trả lời họ là qua mỗi một công việc khác nhau bạn học được những gì, và những kinh nghiệm đó giúp gì cho công việc mà bạn đang xin tuyển. Bởi vì điều đó chứng tỏ bạn nghiêm túc khám phá bản thân, mà không phải là bạn sốt ruột hoặc kém khả năng thích nghi”. 

Connect the Dots được tổ chức lần đầu năm 2013, khi đó chỉ có 500 người tham dự và 8 công ty tham gia tuyển dụng. Con số tăng gần như gấp đôi qua mỗi năm. Năm 2015, có 18 công ty tham dự và 1.200 ứng viên gửi hồ sơ. Theo thống kê chưa đầy đủ, 80% số ứng viên tìm được việc làm. Năm nay, có 1.600 hồ sơ gửi ban tổ chức và 35 công ty tuyển dụng, 40% trong số ứng viên là các du học sinh.

MỚI - NÓNG