Ngày 12/8, lần đầu tiên tại Việt Nam, ngày Quốc tế thanh niên được Bộ Nội vụ, Liên Hợp Quốc (UN) và T.Ư Đoàn tổ chức đúng với tinh thần thanh niên làm chủ. 5 đại diện của người trẻ làm chủ diễn đàn, chất vấn các lãnh đạo một số bộ, ngành và đưa ra những đề xuất người trẻ quan tâm.
Với chủ đề “Thanh niên Việt Nam: Đối tác góp phần đạt đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, Ngày Quốc tế thanh niên thay đổi hoàn toàn kịch bản thường thấy là lãnh đạo phát biểu, chỉ đạo, thay vào đó, 5 đại biểu thanh niên làm chủ, họ nêu những câu chuyện của mình và mở rộng vấn đề chất vấn lãnh đạo gồm Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ, T.Ư Đoàn… giải đáp.
Cô gái xương thuỷ tinh Vũ Thị Quyên
Vũ Thị Quyên, cô gái mắc bệnh xương thuỷ tinh từ lúc mới sinh, mọi sinh hoạt, đi học đối với cô vô cùng khó khăn. Chặng đường đến trường phải có anh đưa đi, rồi hết thời gian học phổ thông, vì nhà xa, cha mẹ già yếu, người anh phải đi làm, cô không được theo học đại học. Nhưng cuộc đời cô chấm dứt chuỗi ngày bế tắc của người khuyết tật khi tìm thấy nguồn sống tại Trung tâm Nghị lực sống. Ở đó, những người khuyết tật tự phải vươn lên giúp mình và chăm sóc lẫn nhau, cô được học công nghệ thông tin đồng thời dạy tiếng Anh cho người cùng cảnh ngộ.
Sau đó, với nghị lực phi thường, cô gái cả đời ngồi trên xe lăn thi vào làm việc cho Đại sứ quán Đan Mạch với mức lương khá trong 2 năm. Cô tiếp tục được chính phủ Úc cấp học bổng du học tại Úc. Cô có nhiều cơ hội làm việc tốt, lương cao hơn nhưng quyết định trở lại làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống để giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn với slogan của đời mình: “Những giá trị tốt đẹp sẽ có ý nghĩa hơn khi không chỉ giữ cho riêng mình mà mang đi cho nhiều người khác. Cứ đi sẽ đến, chỉ sợ bạn không có ước mơ thôi”.
Nói là làm, Vũ Thị Quyên đang góp phần giúp đỡ nhiều số phận éo le, những người khuyết tật khó khăn được học tập, có công việc và hoà nhập với xã hội. Cô đặt vấn đề: Người khuyết tật ở Việt Nam vẫn gặp vô vàn khó khăn như không có đường dành riêng cho họ trong hầu hết các cơ quan, công sở, khi tham gia giao thông trên đường; Làm sao để tạo điều kiện cho người khuyết tật được học tập, đào tạo nghề và không bị phân biệt đối xử khi thi tuyển trong các cơ quan nhà nước, công quyền?”
Trí thức trẻ, Chủ tịch xã Giàng Seo Châu
Với Giàng Seo Châu, trí thức trẻ người Mông tham gia dự án “600 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã” hiện đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) thì việc được đi học đến cấp đại học đối với người dân tộc vô cùng khó khăn. Châu nêu tình trạng cả xã Mản Thần rất nhiều năm qua chỉ có 8 người học đại học, tuy nhiên học xong cũng không có việc làm. Giàng Sao Châu đặt vấn đề làm sao để người dân tộc, vùng cao và khó khăn được đi học nhiều hơn và học xong có chế độ, chính sách để họ trở về quê hương?
Giải đáp những vấn đề chế độ chính sách, giao thông cho người khuyết tật, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho hay, những năm gần đây Việt Nam đã có một vài cơ sở tiếp cận và thực hiện được đường đi riêng cho người khuyết tật với lý do nước ta còn nghèo, hạ tầng cơ sở còn yếu kém. “Việc tuyển dụng người khuyết tật không có bất cứ rào cản nào trong các quan quan, đơn vị tại Việt Nam. Tuy nhiên, người khuyết tật cũng phải tự vươn lên, nỗ lực hơn nữa trong việc tự tạo việc làm cho mình”, ông Đàm nói.
Không đồng tình với trả lời của Thứ trưởng Đàm về sự bình đẳng với người khuyết tật trong tuyển dụng lao động, Vũ Thị Quyên nêu thực tế: Bạn cô là người có năng lực, đăng ký hồ sơ thi tuyển vào một Bộ. Anh luôn dẫn đầu bảng với điểm số cao, tuy nhiên khi phỏng vấn trực tiếp, biết anh là người khuyết tật, hội đồng xét tuyển đã đánh loại mà không giải thích vì sao. “Họ lo sợ khi nhận anh vào phải thay đổi phòng ốc làm việc, phải tạo đường đi riêng vì anh ngồi xe lăn”, Quyên nói.
Còn nhiều vấn đề người trẻ đặt ra như vấn đề khởi nghiệp, đào tạo nghề, bình đẳng giới, chuyển giới…cũng được các bạn trẻ đặt ra tuy nhiên chưa có lời giải đáp thoả đáng hoặc chung chung từ cơ quan có trách nhiệm.
Về vấn đề giáo dục và việc làm cho thanh niên dân tộc, miền núi, ông Nguyễn Trọng Đàm cho hay, hiện nước ta chưa xây dựng được đào tạo cơ bản cơ cấu ngành nghề, nên bộ máy hành chính các tỉnh miền núi còn thiếu rất nhiều người có chuyên môn nhưng người dân tộc được đi học lại đào tạo những chuyên ngành không phù hợp dẫn tới việc ra trường không có việc làm hoặc không trở về quê hương…