Cướp, giết người để... ‘báo hiếu’ cha mẹ
Hai anh em ruột khai nhận: vì muốn giúp bố mẹ trả khoản nợ 25 triệu đồng nên cả hai đã "thủ" dao đi cướp xe ôm.
Chiếc xe tang vật. |
Máu chảy trong rừng tràm
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đồng Nai vừa tiếp nhận hồ sơ cùng hai đối tượng từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Cửu để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền về hành vi giết người, cướp tài sản.
Trong vụ án này, hai anh em ruột Lương Thái Hiệp (16 tuổi) và Lương Thái Hòa (18 tuổi, cùng ngụ khu phố 3, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã gây án để... báo hiếu cha mẹ.
Khoảng 19h ngày 22-7-2012, anh Nguyễn Văn Niên (24 tuổi, hành nghề lái xe ôm, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đang ngồi chờ khách ở khu vực ngã ba Trị An (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) thì được một thanh niên thuê chở về thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) với giá 90.000 đồng.
Đến khu phố 3 (thị trấn Vĩnh An), khách yêu cầu anh Niên chạy xe vòng vào một con hẻm rồi dừng lại trước một ngôi nhà. Người này bảo anh Niên đứng đợi bên ngoài, rồi bước vào nhà gọi thêm một thanh niên khác để “cùng đi công chuyện”.
Tiếp đó, anh Niên chở hai vị khách ra Tỉnh lộ 768, hướng về xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Đến ngã rẽ vào khu rừng tràm, khách yêu cầu dừng xe để đi vệ sinh. Vừa chạm chân xuống đất, anh Niên bị khách dùng dao nhọn đâm liên tiếp vào cổ và vai. Dù đã cố bỏ chạy nhưng anh Niên vẫn bị một tên rượt theo bồi thêm một nhát dao và ngã gục.
Tưởng anh đã chết, hai tên cướp lục soát người anh, lấy chiếc bóp da có đựng giấy tờ tùy thân, 65.000 đồng rồi cướp chiếc xe Yamaha Taurus, chở nhau tẩu thoát. Một lát sau, anh Niên tỉnh dậy, cố lê lết ra đường kêu cứu và được người dân địa phương đưa đi bệnh viện kịp thời nên may mắn thoát chết.
Nhận tin báo về vụ cướp, Công an huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp với Công an thị trấn Vĩnh An và Công an xã Trị An khẩn trương rà soát, truy bắt hung thủ. Các điều tra viên đã tìm đến căn nhà mà nạn nhân đã ghé vào để đón thêm một tên cướp. Căn nhà này tọa lạc ở tổ 3, khu phố 3, thị trấn Vĩnh An, chủ nhà là ông Lương Văn Công (56 tuổi).
Từ đây, danh tính hai tên cướp được làm rõ là hai anh em ruột Lương Thái Hiệp và Lương Thái Hòa, con của ông Công. Trong đó, Hòa bị bắt tại nhà, còn Hiệp bị bắt khi đang lẩn trốn tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) cùng tang vật cướp được.
Vợ chồng bà Nam khóc hận bản thân. |
Báo hiếu cha mẹ bằng... tội ác
Theo lời khai của Hiệp, anh em hắn đi cướp vì muốn trả nợ 25 triệu đồng giúp cha mẹ. Đây là số tiền cha mẹ hắn đã vay để mua nhà, nay không trả được nên liên tục bị chủ nợ hối thúc.
Nghĩ là làm, khoảng 17h ngày 22-7, Hiệp đem theo 2 con dao, đón xe buýt ra ngã ba Trị An (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom).
Tại đây, Hiệp vào một quán nước ngồi chọn “con mồi” là tài xế xe ôm có xe máy đắt tiền, còn mới để thực hiện ý đồ. Khoảng 18h cùng ngày, Hiệp “chọn” anh Nguyễn Văn Niên và vờ thuê anh chở về thị trấn Vĩnh An.
Trên đường đi, Hiệp nhiều lần định sát hại anh Niên nhưng sợ một mình hắn không khống chế nổi “con mồi” to khỏe này. Thế là Hiệp yêu cầu anh Niên chở về nhà mình với mục đích để gọi thêm Hòa hỗ trợ. Về đến nơi, Hiệp trình bày ý định của mình cho anh trai nghe. Thay vì khuyên can em, Hòa đã... gật đầu đồng ý.
Sau đó, Hiệp giao cho Hòa một con dao nhọn rồi cả hai ngồi lên xe của anh Niên. Tại khu rừng tràm nêu trên, cả hai tên đã dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào anh Niên với mục đích cướp cả tính mạng lẫn tài sản của nạn nhân.
Hoàn cảnh đáng thương của hai tên cướp
Vụ giết người, cướp tài sản do anh em nhà họ Lương gây ra không chỉ gây xôn xao dư luận về sự liều lĩnh, táo tợn của thủ phạm mà nó còn khiến người ta phải chạnh lòng khi biết hai thanh niên này vốn là người hiền lành, chịu thương chịu khó lao động và chỉ thực hiện tội ác vì cái nghèo, vì muốn... báo hiếu cha mẹ!
Trong căn nhà nhỏ nằm cuối con đường mòn nhỏ lầy lội ở khu phố 3 (thị trấn Vĩnh An), ông Lương Văn Công và bà Lê Thị Nam ngồi thẫn thờ như người mất hồn từ khi hai đứa con trai bị công an bắt giữ. Bị bệnh tim bẩm sinh nên mấy ngày nay bà Nam thường xuyên bị ngất xỉu vì cú sốc quá lớn.
Khổ sở hơn nữa khi trụ cột gia đình là ông Công nhiều năm nay đã trở thành “người cảnh” vì bị bệnh phổi không làm nặng được, đã vậy xương bả vai của ông còn bị gẫy khiến việc đi đứng rất khó khăn. Chỉ còn chút sức tàn, nay lại chịu thêm đau đớn nhục nhã, người đàn ông này cả ngày chỉ biết ngồi tựa vào góc tường, thở phì phò hắt ra thành tiếng.
Quệt nước mắt, bà Nam kể về cuộc sống bần cùng của gia đình: Khoảng 20 năm trước, gia đình bà sống ở xã Thạch Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Nhà nghèo nên anh em Hòa, Hiệp chỉ học đến lớp 5 đã phải bỏ ngang để đi làm thuê, mót điều, mót tiêu kiếm tiền phụ giúp cha mẹ không còn khả năng lao động. Do tiền kiếm được đều lo thuốc men cho vợ chồng bà, thế nến bao nhiêu năm nay cả nhà này vẫn phải lo ăn từng bữa mà còn khó khăn.
3 năm trước, cả gia đình bà quyết định bán nhà ở quê, khăn gói lên huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) làm ăn. Nhưng nơi đây không có điện, muốn đi chợ mua mớ rau củ hành cũng phải đi nửa ngày đường rừng núi mới đến nơi. Em gái út của Hiệp mới học tiểu học nhưng hàng ngày muốn đến trường phải đi bộ hàng chục cây số.
Không chỉ có vậy, mỗi ngày đi làm, mọi người còn phải... bơi qua hồ Đa Mi (hồ Hàm Thuận), một hồ nước lớn. Do tuổi cao sức yếu, đã nhiều lần vợ chồng bà Nam chết hụt dưới lòng hồ rộng mênh mông này. Biết không thể tồn tại ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” này, thế là cả nhà bà lại ủ rũ kéo nhau quay về Đồng Nai.
Đầu năm 2012, vợ chồng bà Nam mua căn nhà nhỏ ở tổ 3 (khu phố 3, thị trấn Vĩnh An, Vĩnh Cửu) với giá 115 triệu đồng. Nhưng cả cuộc đời làm lụng, gia đình bà chỉ gom góp được 90 triệu đồng và còn thiếu nợ 25 triệu đồng còn lại. Theo giao kết, hàng tháng gia đình bà phải trả lãi suất 20% và phải trả hết vào cuối tháng 6-2012.
Để có tiền giúp ba mẹ trả nợ, Hiệp không đủ tuổi lao động nên đã mượn hồ sơ của anh trai để xin đi làm tại một công ty ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom), kiếm được đồng nào đều đưa hết cho mẹ trả nợ. Còn Hòa làm bốc vác ở cảng Đồng Nai, tuy nhiên công việc phải phụ thuộc vào thời tiết nên “bữa đực bữa cái” và thu nhập chẳng là bao.
Đã vậy, tiền kiếm ra vẫn phải cắt ra một phần không nhỏ để mua thuốc men, chữa trị bệnh cho ông Thu nhập lao động chính trong gia đình chẳng là bao nhưng vẫn phải đều đều hàng tháng phải thuốc men, chữa trị bệnh cho ông Công, bà Nam. Những cái khó ấy khiến gia đình này không thể thu xếp đủ tiền trả nợ theo đúng hạn định.
Có lần chủ nhà đến đòi tiền nhà, Hiệp liền hỏi mẹ: “Mẹ ơi, có phải là mình không có tiền là người ta lấy lại nhà, gia đình mình phải ra ngoài đường ở phải không mẹ?”. Hỏi xong, Hiệp khóc.
Bà Nam cũng rớt nước mắt nhưng vẫn cố trấn an con: “Không đâu con, nhà mình không có tiền thì vay mượn trả họ chứ không phải ra đường đâu con”. “Chắc nó sợ cả nhà phải ra đường ở nên mới có suy nghĩ bồng bột mà gây ra tội như thế này”, bà Nam nghẹn ngào.
Hơn 1 tháng trước, bà Nam qua tỉnh Đăk Lăk để thăm nuôi đứa con dâu lớn sinh cháu. Ở nhà, chủ nợ đến đòi tiền nên Hiệp gọi điện lên hỏi: “Mẹ có mượn được ít tiền nào không?”. Bà Nam buồn bã trả lời: “Trên này đang vào thời điểm giáp hạt con à, nhà ai cũng khó khăn, mẹ chưa mượn được...”.
Khoảng 1 tuần sau đó, chủ nợ lại đến đòi tiền, và Hiệp lại gọi điện hỏi mẹ như vậy, câu trả lời là vẫn như cũ. Sau cuộc gọi đó thì xảy ra chuyện buồn...
“Lỗi là do vợ chồng chúng tôi bất lực, vô dụng, đã không cho con ăn học đàng hoàng lại còn phải để chúng phải gánh vác công việc gia đình, gánh nợ cho cha mẹ từ quá sớm...”, bà mẹ tội nghiệp tự trách mình.
“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, thế nhưng ở kiếp sống hiện tại, có nhiều người nghèo đã cố gắng vùng vẫy, đã cố gắng tìm mọi cách có thể mà không thể thoát khỏi “vũng bùn nghèo khó”. Trong một phút chốc bị cái nghèo làm cho tuyệt vọng, hai anh em Hiệp và Hòa đã sa chân vào vũng bùn tội ác.
Dẫu biết tội ác ấy là đáng lên án, nhưng khi tìm hiểu về cảnh đời của hai thanh niên “ăn chưa no, lo chưa tới” này, người viết chợt thấy cay cay nơi khóe mắt...
Theo Phương Nam
Pháp luật Việt Nam