Di dời “lưỡi hái tử thần” ra khỏi công trường
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, nguyên do của 2 chiếc cần cẩu bị sập nhưng chưa được di dời khỏi dự án là do giữa chủ đầu tư (VNT) và Coteccons xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Đỉnh điểm của việc mâu thuẫn, chủ đầu tư “đuổi” nhà thầu ra khỏi công trường.
Được biết, đầu tháng 12/2017, cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hoà gây thiệt hại nặng nề cho người dân địa phương và đánh sập 2 chiếc cẩu “khủng” của Công ty CP xây dựng Coteccons (Coteccons-nhà thầu) đang thi công dự án Panorama Nha Trang.
Sau khi sự cố xảy ra, VNT đã nhiều lần thông báo cho Coteccons di dời 2 chiếc cẩu trên ra khỏi công trường, nhưng không được thực hiện. Điều đáng nói, phía Coteccons luôn trì hoãn và đưa ra kế hoạch di dời cẩu gãy ra khỏi công trường với thời gian kéo dài khoảng 2 tháng.
Lo lắng về an toàn và tính mạng của người dân, VNT đã cất công đi tìm đối tác và nhận được kế hoạch di dời 2 chiếc cẩu trên trong thời gian 6 ngày. Việc làm này của chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Khánh Hoà chấp thuận.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và trật tự xã hội, ngày 7/12, UBND tỉnh Khánh Hoà đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với VNT di dời 2 chiếc cẩu trên ra khỏi dự án Panorama Nha Trang.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, phía Coteccons-nhà thầu thi công dự án Panorama Nha Trang cho rằng: Họ bị chấm dứt hợp đồng và đuổi khỏi công trình, vì từ chối yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng quá 4-5 tầng so với giấy phép xây dựng.
Theo Coteccons, dự án này được thiết kế và cấp phép xây 39 tầng nhưng chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tăng thêm 4-5 tầng để làm dịch vụ. Về việc này, Coteccons đưa ra các văn bản của đơn vị tư vấn Artela làm căn cứ.
Coteccons cũng cáo buộc VNT các vi phạm khác như: Đơn phương cắt giảm phạm vi công việc của nhà thầu mà không có thỏa thuận bằng văn bản, nợ tiền xây dựng 120 tỷ đồng...
Dùng cần cầu gãy làm “con tin” là thiếu đạo đức
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Anh Đức, Chủ tịch VNT cho rằng: Dù có xảy ra tranh chấp mâu thuẫn gì giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho công nhân tại công trường và người dân qua lại khu vực công trường. Việc chây ì, biến cần cẩu gãy thành có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người dân làm “con tin” để đàm phán tranh chấp là việc làm thiếu đạo đức, ông Đức nói.
Liên quan đến khoản tiền 120 tỷ đồng, ông Đức đưa ra bằng chứng khẳng định, đã thanh toán các khoản tiền theo đúng tiến độ thi công.
Ông Đức cho rằng, khoản tiền 120 tỷ đồng, đó là tổng các khoản tiền phải trả cho việc thiết kế, thi công và nhiều khoản trong số đó chưa đến hạn trả do chưa triển khai, nghiệm thu công dự án. Đối với một số hạng mục khác bị cắt do Coteccons không thực hiện đúng hợp đồng và nhà thầu đã có công văn đề nghị nhà thầu khác triển khai phần việc này.
Việc Coteccons tố cáo VNT vi phạm pháp luật, ông Lê Anh Đức khẳng định, đó mới chỉ dừng lại ở mức đề nghị nhà thầu tính toán phương án phù hợp để trình cơ quan chức năng. Ông Đức cho rằng, việc làm trên của Coteccons là vu khống và làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín cũng như khách hàng của chúng tôi.
Đối với nội dung Coteccons tố cáo VNT, chúng tôi sẽ cân nhắc đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ hành vi “Vu khống”, ông Đức nói.