Chiều qua, 13/10, trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc nhà máy xi măng Holcim (thuộc Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam) ông Nguyễn Hợp cho biết sản phẩm sau khi tiếp nhận đã được bảo quản một cách an toàn nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện Holcim đã có văn bản gửi Cục quản lý ô nhiễm - Tổng cục môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang báo cáo và xin ý kiến. Các đơn vị này sẽ tổ chức giám sát việc tiêu hủy.
Việc xử lý dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 23-26/10/2014. “Việc tiêu hủy loại dầu độc hại này là do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định”- ông Hợp nói.
Cũng trong ngày hôm qua, Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam cho Tiền Phong biết, 7 tấn dầu nói trên sẽ được tiêu hủy bằng lò nung xi măng. Lò nung này cung cấp một môi trường nhiệt độ cao lên đến 2.000°C và thời gian lưu cháy dài, cho phép tiêu hủy hoàn toàn các hợp chất hydrocarbon phức tạp, không phát sinh chất thải thứ cấp đồng thời còn được trang bị hệ thống giám sát phát thải vận hành liên tục trong quá trình đồng xử lý.
Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã thành công trong việc xử lý PCB bằng công nghệ này như Nauy, Thụy Điển từ những năm 1980, Holcim cũng đã có kinh nghiệm xử lý thành công PCB tại Srilanka.
Năm 2012, Geocycle Việt Nam (Đơn vị kinh doanh xử lý chất thải trực thuộc Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam) được Bộ Tài nguyên và Môi Trường cấp phép xử lý dầu nhiễm PCB bằng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng và hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được cấp phép xử lý loại chất thải này.
Ông Hợp cho biết sản phẩm sau xử lý chỉ là hơi nước, khí Cacbonic… Thành phần Clo bị trung hòa ở môi trường kiềm ngay trong lò do vậy mức độ an toàn là tuyệt đối với khoảng 99,999%.
Về chi phí xử lí, ông Nguyễn Hợp cho biết chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Năm 2011 nhà máy đã từng xử lý khoảng 3 tấn loại dầu nhiễm PCB. Thời điểm đó, trước khi xử lý, chuyên gia của Bộ Tài nguyên Môi trường và các chuyên gia quan trắc của Úc đã giám sát, đánh giá và khẳng định không ảnh hưởng đến môi trường, sau đó mới cấp phép cho Holcim có quyền thực hiện.
Bà Võ Thị Vân - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang xác nhận: “Vấn đề này đã được nhà máy Holcim làm nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ mới làm lần đầu. Quá trình làm của Holcim đã được theo dõi, giám sát, cơ quan chuyên môn đánh giá. Vì thế, không có gì để lo lắng trong việc này cả”.