Sẽ chuyển 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc vào Kiên Giang xử lý

Sẽ chuyển 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc vào Kiên Giang xử lý
TP - Liên quan 7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc PCB bên bờ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), tại cuộc họp báo hôm qua, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, số hóa chất này sẽ được vận chuyển và xử lý tại Nhà máy xi măng Holcim (Hòn Chông, Kiên Giang), thay vì xử lý tại Nhà máy xi măng Thành Công (Hải Dương) như dự tính ban đầu.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, những ngày qua, phía doanh nghiệp chủ lô hàng là Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long đã làm với việc với Công ty TNHH xi măng Holcim - đơn vị duy nhất được cấp phép xử lý PCB ở Việt Nam. Các bên liên quan đã thống nhất xử lý 7.000 lít dầu biến thế trước, thân máy biến thế xử lý sau.

7.000 lít dầu sẽ được vận chuyển đến Nhà máy xi măng Holcim ở huyện Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang, sau đó tiến hành tiêu hủy. Như vậy, so với dự tính ban đầu, số hóa chất này sẽ phải di chuyển quãng đường hơn 2.000 km đến nơi xử lý. Vấn đề đảm bảo an toàn được nhiều người băn khoăn.

Theo ông Tùng, Công ty xi măng Holcim đã được cấp phép xử lý PCB, nghĩa là họ có đủ trang thiết bị và khả năng vận chuyển chất thải nguy hại này. Phương án vận chuyển, xử lý cũng đã được doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự tư vấn của Tổng cục Môi trường theo kinh nghiệm quốc tế.

“Chúng tôi cũng có văn bản yêu cầu đơn vị vận chuyển phải liên tục cập nhật tình hình về Tổng cục Môi trường trong suốt quá trình vận chuyển”, ông Tùng nói.

Việc vận chuyển tiến hành trong vài ngày tới. Giá tiền xử lý mỗi kg dầu nhiễm PCB khoảng 50 nghìn đồng. Tổng số tiền để vận chuyển, tiêu hủy lô hóa chất này khoảng 350 triệu đồng. Kinh phí xử lý do Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long chi trả.

Theo ông Hoàng Việt Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã sẵn sàng cho việc di chuyển số hóa chất này ra khỏi địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh mới đây ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thành lập một tổ giám sát gồm lãnh đạo các ngành liên quan. Khi doanh nghiệp tiến hành vận chuyển, tổ giám sát sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện giám sát.

Về thân máy biến thế, ông Dũng cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu phía Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long phải thuê các cơ quan chuyên môn giám định xem còn PCB trong thân máy hay không. Sau đó tiến hành vận chuyển, lưu giữ an toàn tại kho, chờ xử lý. Việc giám định sẽ thực hiện ngay trong tháng 10.

Trước đó, trong một cuộc họp cuối tháng tám, các bên liên quan như UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Cảnh sát Môi trường, doanh nghiệp là chủ lô hàng đã thống nhất phương án di chuyển 7.000 lít hóa chất về lưu giữ tại Công ty TNHH MTV Môi trường Vinacomin (đóng tại Cẩm Phả, Quảng Ninh).

Sau khi Công ty Xi măng Thành Công (Hải Dương) được cấp phép xử lý PCB sẽ chở đến đây tiêu hủy. Tuy nhiên, phương án này không khả thi do một số hộ dân Cẩm Phả phản đối. Bản thân Xi măng Thành Công cũng chưa nộp hồ sơ xin cấp phép PCB lên Tổng cục Môi trường.

MỚI - NÓNG