Vì sao chưa chuyển được 7.000 lít dầu nhiễm chất siêu độc?

Hai container 7.000 lít dầu biến thế nhiễm hóa chất siêu độc PCB vẫn còn nguyên tại cảng Cái Lân sau tuyên bố sẽ di dời cách đây 3 tuần. Ảnh: Đỗ Hoàng
Hai container 7.000 lít dầu biến thế nhiễm hóa chất siêu độc PCB vẫn còn nguyên tại cảng Cái Lân sau tuyên bố sẽ di dời cách đây 3 tuần. Ảnh: Đỗ Hoàng
TP - Đã hơn 20 ngày trôi qua, kể từ khi UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long (chủ lô hàng) quyết được phương án di dời 7.000 lít dầu nhiễm hóa chất siêu độc PCB ra khởi bờ vịnh Hạ Long, vì sao số hóa chất độc hại này vẫn án binh bất động.

Không có nơi nào để chuyển

Sau khi Tiền Phong có loạt bài phản ánh tình trạng 7.000 lít dầu nhiễm hóa chất siêu độc đe dọa vịnh Hạ Long, sáng 22/8, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ninh cùng các cơ quan chức năng đã họp với đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long.

Các bên thống nhất, ngay tuần sau đó sẽ di chuyển toàn bộ lô hàng về nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Vinacomin tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) lưu giữ. Bước tiếp theo là chờ Công ty Xi măng Thành Công (Hải Dương) có giấy phép xử lý PCB sẽ di chuyển lô hàng đến đây tiêu hủy. Tuy nhiên, đến nay, lô hàng gồm thân máy biến thế, 7.000 lít dầu biến thế chứa PCB vẫn án binh bất động tại cảng Cái Lân chưa rõ ngày di chuyển.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh này sẽ không thực hiện phương án di chuyển lô hàng từ cảng Cái Lân về TP Cẩm Phả nữa, vì việc vận chuyển như vậy không đảm bảo an toàn.

Tỉnh Quảng Ninh vẫn tạm thời để yên lô hàng tại vị trí cảng Cái Lân thêm một thời gian, chờ khi Bộ TN&MT cấp phép xử lý PCB cho Công ty Xi măng Thành Công thì chuyển thẳng đến nơi tiêu hủy. “Thật ra nó cũng không an toàn thật. Cứ chuyển đi chuyển lại như vậy ai biết nó thế nào”-ông Hậu nói.

Theo ông Hậu, ngày 4/9 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi Bộ TN&MT xin phương án xử lý. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc di chuyển về lưu giữ tạm thời ở xã Dương Huy, TP Cẩm Phả không đảm bảo an toàn. Hiện nay, viêc bảo quản tại cảng Cái Lân đảm bảo tương đối tốt, không có nguy cơ rò rỉ. UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ TN&MT nhanh chóng cấp phép cho Công ty Xi măng Thành Công được xử lý hóa chất PCB để sớm thực hiện xử lý triệt để.

“Tạm thời không thực hiện di chuyển nữa, vì không có chỗ nào
di chuyển cả”.

Ông Vũ Văn Hợp Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, “Tạm thời không thực hiện di chuyển nữa, vì không có chỗ nào di chuyển cả”-ông Hợp nói. Theo ông Hợp, phương án tạm di chuyển lô hàng về bảo quản tại Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty môi trường Vinacomin (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả) không được UBND tỉnh chấp thuận bởi vấp phải phản ứng của người dân khu vực.

Phương án tạm di chuyển này không khả thi bởi đã không tính tới phản ứng của người dân. Do đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục để lô hàng tại cảng Cái Lân chờ tới khi có phương án xử lý triệt để là di chuyển tới nơi tiêu hủy.

Theo ông Nguyễn Hồng Quý, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Vinacomin, ngay tối 22/8, sau khi có thông tin di chuyển lô hàng máy biến thế và dầu biến thế chứa hóa chất PCB về nhà máy, một số người dân xã Dương Huy đã có phản ứng.

Cụ thể, khi chiếc xe tải chở chất thải da giày vào buổi tối, khoảng 20 chiếc xe máy của người dân khu vực xã Dương Huy đã tập trung trước cổng nhà máy để phản ứng, không đồng ý với việc di chuyển lô hàng về đây lưu giữ.

Vì sao chưa chuyển được 7.000 lít dầu nhiễm chất siêu độc? ảnh 1 Lô hàng 7.000 lít dầu biến thế nhiễm hóa chất siêu độc PCB vẫn nằm tại cảng Cái Lân. Ảnh: Đỗ Hoàng

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc di chuyển lô hàng gồm thân máy biến thế và 7.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB không gặp khó khăn về mặt kỹ thuật.

Bộ TN&MT khẳng định việc đóng gói, vận chuyển sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất nằm ở phản ứng của người dân. “Chúng tôi được biết đã có biểu hiện người dân tụ tập phản đối khi nghe thông tin di chuyển số dầu trên về Cẩm Phả”, ông Tùng nói.

“Địa phương nào cũng không muốn nhận. Hải Phòng ra văn bản cấm, Quảng Ninh không thể di chuyển trong nội tỉnh, Hải Dương cũng không muốn tiếp nhận. Bộ TN&MT sẽ đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”

Ông Hoàng Dương Tùng,
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Với phương án tiếp tục lưu giữ tại cảng Cái Lân, chờ Công ty Xi măng Thành Công được cấp phép cũng nảy sinh khó khăn.

Theo một nguồn tin của Tiền Phong, sau Hải Phòng, nay đến lượt Hải Dương cũng không muốn tiếp nhận lô hóa chất độc hại này. Phía Tổng cục Môi trường cũng cho biết, Công ty Xi măng Thành Công hiện vẫn chưa nộp hồ sơ xin cấp phép xử lý PCB lên Tổng cục Môi trường.

Theo ông Tùng, quyết định di chuyển hiện nay thuộc về UBND tỉnh Quảng Ninh. Bộ TN&MT mong muốn Quảng Ninh nhanh chóng giải quyết vụ việc. Trong bối cảnh Hải Phòng ra văn bản cấm không cho lô hàng di chuyển về địa phương, Quảng Ninh không thể di chuyển trong nội tỉnh, Hải Dương cũng không muốn tiếp nhận, Bộ TN&MT sẽ đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Tùng cho biết thêm, chính quyền địa phương và người dân có lo ngại về mức độ độc hại của 7.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB. Tuy nhiên, hàm lượng nhiễm PCB của lô hàng ở mức khá thấp 84ppm (mức cho phép là 50ppm), không gây ngộ độc cấp tính và thấp hơn nhiều lần hàm lượng dầu nhiễm PCB từng gây ra sự cố tại Bỉ hay

Nhật Bản.

MỚI - NÓNG