Vụ 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc: Các bên đều rút được bài học

Lô hàng 7.000 lít dầu biến thế nhiễm hóa chất siêu độc PCB đang chờ được di chuyển khỏi bờ vịnh Hạ Long. Ảnh: Đỗ Hoàng
Lô hàng 7.000 lít dầu biến thế nhiễm hóa chất siêu độc PCB đang chờ được di chuyển khỏi bờ vịnh Hạ Long. Ảnh: Đỗ Hoàng
TP - Liên quan vụ 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc bên bờ vịnh Hạ Long, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nhìn nhận: “Từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình, và qua đây thấy được trách nhiệm của các bên, tất cả đều rút ra được bài học”.

Hiện nay, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và các bên liên quan như thế nào trong việc di dời và xử lý 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc ra khỏi bờ vịnh Hạ Long?


Chúng tôi đã cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh bàn các biện pháp để cương quyết xử lý. 

Về phương án xử lý, UBND tỉnh cũng muốn giải quyết rốt ráo, di chuyển một lần. Tuy nhiên để xử lý được PCB, Công ty Cửu Long (là đơn vị đã nhập máy biến thế) phải ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý PCB để họ vận chuyển và xử lý. 

Hiện nay chỉ có Nhà máy xi măng Holcim tại Kiên Giang mới có giấy phép xử lý chất thải nguy hại trong đó có PCB nên cũng cần phải cân nhắc kỹ phương án này vì phải vận chuyển xa. 

Ngoài ra, Nhà máy xi măng Thành Công ở Hải Dương là đơn vị đã được cấp phép xử lý chất thải nguy hại có chứa một số chất clo hữu cơ, và đang làm thủ tục để xin cấp phép xử lý PCB. 

Do đó, để giảm thiểu rủi ro về môi trường, chúng tôi đã thống nhất Công ty Cửu Long phải nhanh chóng chuyển 2 container đến chỗ kho bãi an toàn của đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại trong tỉnh Quảng Ninh trong thời gian ngắn, sau đó sẽ chuyển đến đơn vị tiêu hủy PCB. Đây là phương án tối ưu tại thời điểm này.

Trong cuộc họp hôm thứ 6 tuần trước, theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã cùng với các bên liên quan như Hải quan, cảng Cái Lân, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, doanh nghiệp Cửu Long, công ty môi trường thuộc Vinacomin (là đơn vị của địa phương có giấy phép xử lý chất thải nguy hại) bàn việc khẩn trương di dời 2 container. 

Tại cuộc họp chúng tôi chỉ bàn cách giải quyết, vận chuyển như thế nào chứ không bàn việc chuyển hay không chuyển. Các bên đều nhất trí phải dứt khoát chuyển ngay trong tuần tới ! Cơ quan Hải quan, Cảng, … đều phát biểu là không có vấn đề gì, chỉ bàn làm thế nào di chuyển cho an toàn, bảo đảm an ninh và đúng thủ tục thôi.

Cũng nhân đây tôi xin cám ơn các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo Tiền Phong đã nêu vấn đề và góp phần thúc đẩy quá trình xử lý. Đây cũng là một dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCB cũng như mức độ độc hại của chúng. 

Thưa ông, suốt bảy năm qua đã có cuộc họp nào tương tự như thế này chưa? Tại sao vấn đề có vẻ không có gì khó khăn và ghê gớm lắm lại không được giải quyết sớm ngay từ giai đoạn đầu?

Vụ 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc: Các bên đều rút được bài học ảnh 1 TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Tôi nghĩ cái gì cũng có lịch sử của nó. Thứ nhất PCB là một vấn đề khó và mới không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Vấn đề PCB được Công ước Stockhom quy định quản lý từ năm 2002 và Công ước có hiệu lực từ năm 2004. Năm 2002 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước - là một trong những nước ký sớm trên thế giới. Tuy vậy, trong thời gian đó nhận thức của nhiều người, của doanh nghiệp cũng chưa cao, chưa đến nơi đến chốn. 

Chúng ta cũng là thành viên của Công ước Basel về vận chuyển hàng nguy hại nên đã được báo lô hàng nhập về Việt Nam có một số biến thế chứa PCB vượt quá tiêu chuẩn cho phép và đã bị Hải quan giữ lại ở cảng, không cho thông quan. 

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 2326/QĐ-UBND năm 2008 xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp Cửu Long. Một khi đã là tang vật của vụ án, họ đã giữ tại Cảng, chúng tôi không có thông tin để xử lý, mình muốn can thiệp cũng không được. 

Một lý do nữa có thể là do biết nồng độ PCB trong 2 biến thế không thật cao (một máy dưới ngưỡng cho phép của Công ước Stockholm là 50ppm và một máy có nồng độ 84 ppm) nên có thể có tâm lý không vội. Trong khi đó quốc tế khuyến cáo trong khi chưa có biện pháp xử lý thì cứ để trong máy biến thế là tốt nhất.

Đến 2012, sau thời gian nghiên cứu, xử lý thử nghiệm và thực hiện các thủ tục, nhà máy Xi măng Holcim tại Kiên Giang mới được cấp giấy phép xử lý PCB đầu tiên tại Việt Nam.

Theo tôi được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo các cơ quan về việc này, UBND và Sở TNMT Quảng Ninh cũng đã tổ chức một số cuộc họp liên ngành. Tổng cục Môi trường có tham dự cuộc họp năm 2013, và sau đó các bên đã thống nhất phương án là đưa chất thải vào container và sau đó chuyển đi xử lý. 

Nhưng nó là chất cực độc lại nằm ngay bờ vịnh Hạ Long. Vậy vai trò quản lý nhà nước về môi trường của Bộ TN&MT ở đâu, thưa ông ?

Ngay từ năm 2008 Bộ TN&MT đã liên tục có công văn và các chuyến công tác tại thực địa để trao đổi các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật liên quan với UBND tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này. Năm 2009, TCMT(Tổng cục Môi trường) cũng đã có công văn và trao đổi trực tiếp với Sở TN&MT để giải quyết. 

Đoàn công tác của TCMT, Bộ TN&MT đã có ý kiến với cảng Cái Lân, với Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường biện pháp lưu giữ, quản lý an toàn về môi trường đối với khối chất thải này. 

Sau đó, Bộ cũng đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn, các đợt nâng cao nhận thức, đã xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về PCB để các địa phương thực hiện trên toàn quốc. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp Cửu Long, cơ sở xử lý chất thải, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh về các phương pháp lưu trữ, vận chuyển, xử lý PCB.

Chúng tôi nghĩ, từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình, và qua đây mình thấy được trách nhiệm của các bên, tất cả các bên đều rút được bài học. 

“Tôi xin cám ơn các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo Tiền Phong đã nêu vấn đề và góp phần thúc đẩy quá trình xử lý. Đây cũng là một dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCB cũng như mức độ độc hại của chúng” .

TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng 
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Để tránh tái diễn một vụ việc tương tự trong tương lai, về mặt quản lý nhà nước, chính sách pháp luật có lỗ hổng nào cần phải bít không, thưa ông?

Về văn bản quản lý, chúng ta có Thông tư 12 về chất thải nguy hại trong đó có các mã chất thải nguy hại có PCB, có một số quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong đó có chỉ tiêu PCB, và có một số thông tư khác liên quan đến nhập khẩu, vận chuyển xử lý chất thải nguy hại. Các quy định này có thể áp dụng để quản lý ô nhiễm đối với PCB.

Để bảo đảm an toàn hơn, chúng tôi cũng đang xây dựng Thông tư riêng về quản lý PCB, trên cơ sở các kinh nghiệm và hướng dẫn của quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

Tuy nhiên có một thực tế là hiện tại ở một số cảng có nhiều container “vô chủ” theo kiểu nhập rồi bị buộc phải tái xuất nên nhiều doanh nghiệp nhập cố tình không nhận là hàng của mình, không đến nhận, gây khó khăn cho cảng và các cơ quan quản lý.

Chúng tôi cũng xin lưu ý PCB là vấn đề lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới. Việc quản lý, xử lý an toàn PCB để bảo đảm an toàn về môi trường và sức khỏe cần có sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp Trung ương, của từng địa phương và các địa phương với nhau, sự phối hợp liên ngành và điều rất quan trọng nữa là nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. 

Các cơ quan quản lý môi trường ở các nước có quyền lực như thế nào trong trường hợp tương tự như thế này?

Theo tôi được biết, tại nhiều nước cơ quan quản lý môi trường rất có quyền lực, khi phát hiện vụ việc họ có quyền phong tỏa hiện trường và có các biện pháp xử lý nhanh chóng và kịp thời, buộc trách nhiệm của các bên liên quan. 

Xin cảm ơn ông!

Diễn biến vụ 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc

Ngày 8/8, Tiền Phong khởi đăng loạt bài “7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc bên bờ vịnh Hạ Long: Hiểm họa cho di sản thiên nhiên thế giới”, phản ánh chuyện bảy năm qua, khoảng 7.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB - hóa chất độc chỉ sau dioxin được lưu giữ trong điều kiện không đảm bảo tại cảng Cái Lân, ngay bờ vịnh Hạ Long. 

Nhiều bài trong số đó đã nêu rõ trách nhiệm của đơn vị liên quan như UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ TN&MT, Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp đồng thời nêu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ VH-TT&DL, bạn đọc cả nước trước thực tế đáng lo ngại này.

Ngày 12/8, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở TN&MT xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất PCB. Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu thị sát khu vực lưu giữ 7.000 lít hóa chất siêu độc yêu cầu lập hàng rào bảo vệ.

Ngày 18/8, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo cơ quan chức năng ngăn chủ lô hàng có ý định di chuyển máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB về Hải Phòng.

Ngày 19/8, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có văn bản gửi Bộ TN&MT về việc xử lý lô hàng máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB của Cty Cổ phần Đầu tư Cửu Long.

Ngày 22/8, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì cuộc họp với Bộ TN&MT, Cục Hải quan Quảng Ninh, chủ lô hàng và nhiều bên liên quan khác, thống nhất phương án sẽ di chuyển toàn bộ lô hàng khỏi cảng Cái Lân, chờ tiêu hủy. Lô hàng gồm thân máy biến thế, gạch mùn cưa nhiễm PCB và 7.000 lít dầu nhiễm PCB vẫn đang được lưu giữ trong hai container tại cảng Cái Lân để chờ tiêu hủy trong thời gian tới. 

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG