Ngư dân tàu chìm trở về đất liền, oà khóc trong vòng tay người thân. Ảnh: Hoài Văn – Nguyễn Ngọc |
Đúng 15 giờ, tàu 467 quân chủng Hải quân về đến Cảng Chi đội Kiểm ngư số 3 (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Nhưng trước đó, rất đông người dân có mặt tại đây để đón ngư dân.
Trở về từ cõi chết
Vừa từ trên tàu 467 Hải quân bước xuống cầu cảng, ngư dân Lương Văn Trọng (thuyền viên trên tàu cá QNa 90129 TS) lại đượm buồn khi hướng ánh nhìn về phía khơi xa, nơi 12 bạn thuyền của ông đang không rõ sống chết.
Kể lại khoảnh khắc gặp nạn ông Trọng cho hay: “Lúc đó vào khoảng 20h ngày 17/10, trên biển có sóng lớn kèm theo mưa nhỏ, một lúc sau tôi thấy con tàu câu mực chao đảo. Mọi người trên tàu la lớn có lốc xoáy, chỉ trong vòng 2 phút toàn bộ con tàu lật nghiêng rồi chìm dần xuống biển. Tôi lạng quạng rồi nắm được chiếc thúng câu mực trèo lên, tiếp tục cứu vớt các anh, em thuyền viên còn lại lên thuyền thúng. Đến sáng 18/10 thì chúng tôi được một tàu câu mực khác của địa phương cứu vớt đưa lên tàu an toàn. Sau vài giờ thì được lực lượng chức năng, Cảnh sát biển đến thăm hỏi, khám sức khỏe".
“Mừng vì mình được còn sống trở về với người thân nhưng còn mười mấy bạn tàu chưa được tìm thấy. Hy vọng lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 13 ngư dân còn mất tích trên biển để đưa họ về với người thân an toàn”, ông Trọng bộc bạch.
Ngư dân tàu chìm trở về đất liền, oà khóc trong vòng tay người thân (Ảnh: Hoài Văn - Nguyễn Ngọc). |
Ngư dân Huỳnh Văn Khởi, tàu QNa 90129 TS chưa hết bàng hoàng khi kể lại khoảnh khắc tàu lật. “Biển đêm tối thui, lốc xoáy bất ngờ ập đến khiến tất cả bị hắt xuống tàu. Ngụp lặn trong biển đêm, tưởng như không thể chống cự nữa thì tôi vớ được chiếc thùng xốp thả trôi, lúc sau được cứu lên. Giờ không thể nghĩ được là mình còn sống”, ông nói.
Có mặt tại cầu cảng từ sớm, hàng trăm người thân của các ngư dân bị nạn không kìm được những giọt nước mắt khi gặp lại người chồng, cha, anh của mình trở về từ cõi tử sau phiên biển đầy bão táp. Không đủ kiên nhẫn để ngồi trong hội trường, ánh mắt cứ liên tục hướng ra phía cầu cảng, bà Võ Thị Bé (trú thôn Đông An, xã Tam Giang) bật khóc nức nở. “Tôi có chồng và hai người con đi trên tàu cá QNa 90129 TS thì cả 3 may mắn được cứu sống”, bà Bé nói.
Bà cho biết, lúc nghe tin, chồng và hai con gặp nạn, bà như tuyệt vọng. Những tưởng viễn cảnh xấu khi một lúc mất đi 3 người thân nhất của mình khiến bà không thể chợp mắt. Nhưng rồi khi hay cả ba được cứu vớt an toàn, lúc đó lòng bà mới nhẹ nhõm.
Tại buổi bàn giao đưa những nạn nhân trở về, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, các cơ quan, ban ngành địa phương và Quân chủng Hải quân đã tặng quà cho các gia đình ngư dân gặp nạn với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.
Bà Trần Thị Mai (48 tuổi, ở thôn 4, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) vừa đi vừa quệt nước mắt. Bà đến để đón chồng là Phạm Tùng cùng đi trên tàu QNa 90129 TS vừa bị lốc xoáy đánh chìm trên tàu. Mấy ngày không ngủ, bà Mai gầy sọp, đi không vững. Bà nhận hung tin tàu bị nạn lúc nửa đêm thì đầu óc quay cuồng, chạy tới chạy lui hỏi thăm hỏi tình hình. Sau đó thì được tin rằng chồng bà cùng 39 ngư dân được cứu, còn 12 nạn nhân mất tích. “Nghe vậy thì biết vậy, nhưng giờ ngồi đây thấy ổng mới hết đau, còn mười mấy người chưa được đưa lên nữa, sao kinh hoàng vậy?!”, bà xót xa. Nhà có 3 anh em trai thì hai anh đầu trước kia đi biển, sau mất vì đau bệnh, một mình ông Tùng cáng đáng mọi việc gia đình. “Vì mưu sinh mà đi chứ biết nghề này nguy hiểm, rủi ro. Mỗi bận vậy mình lo lắm, chỉ biết cầu trời khấn phật cho tai qua nạn khỏi”, bà Mai sụt sùi.
Chồng mình còn sống, nhưng nhiều hàng xóm có người thân cùng đi trên chuyến tàu đó vẫn chưa được tìm thấy. “Mấy ngày nay cả xóm đau buồn, thời gian trôi nặng nề, đâu cũng thấy khóc thương xót xa lắm”, bà Mai nói.
Bà Phan Thị Thuận đến buổi đón ngư dân chìm tàu vì tin rằng "biết đâu ổng cũng về". |
Bà Phan Thị Tài (ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) tất tả chạy lên địa điểm đón ngư dân. Bà có con trai út là Phan Thanh Duẩn cùng hai cháu nội trở về lần này. “Ngần này tuổi đầu rồi, cứ nghĩ cái cảnh đầu bạc khóc đầu xanh mà đau lòng. Nó về mình mừng, nhưng cũng chưa bình tâm lại được”, bà chia sẻ.
Nỗi đau xé lòng
Bà Phan Thị Thuận (trú ở Núi Thành) bước từng bước run rẩy đến nơi đón ngư dân, ba người con của bà đi cùng dìu mẹ. Chồng bà là ngư dân Nguyễn Duy Định (63 tuổi), thuyền viên duy nhất mất tích khi đang trên tàu QNa 90927 TS. Bà Thuận khóc, ngất lên ngất xuống khi nhận tin nhưng rồi lại cố bò dậy để đến tận đây xem “biết đâu ổng cũng về”. Nhưng không, nỗi đau vẫn không thể xoá, người vợ tóc đã bạc khóc run trên tay các con mình. “Sao ông cùng đi trên tàu với họ mà không cùng về, sao còn ở ngoài đó ông ơi”, bà Thuận nức nở.
Đại tá Đoàn Bảo Anh - Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân nói: “ Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ vô cùng cao cả xuất phát từ trái tim của người lính. Trong quá trình tìm kiếm chúng tôi đã cố gắng hết sức để đưa được những người dân về với đất liền. Chúng tôi thấy phải có trách nhiệm hơn nữa để ngư dân tiếp tục có điều kiện vươn khơi bám biển vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Ông Định trước làm nghề buôn bán, nhưng cuộc sống chật vật nên quay sang đi biển 3 năm nay. Chuyến biển này là chuyến cuối trong năm, dự định kiếm chút thu nhập còn lo chuyện chi tiêu tết nhất. Thế nhưng chuyến biển định mệnh, sóng lớn nhấn chìm tàu, ông mất tích.
Khi hai thi thể thuyền viên xấu số trên tàu cá QNa 90129 TS được đưa từ tàu hải quân xuống thì những tiếng khóc lóc xé lòng vang lên, khiến cho những người chứng kiến không kìm được nước mắt. Tại đây, anh Đỗ Văn Quang (con trai của ngư dân Đỗ Văn Hải - thuyền viên bị mất) đi không vững mà phải nhờ mọi người dìu để nhìn mặt cha mình lần cuối. Ngồi bệt dưới nền đất, anh Quang liên tục gào khóc gọi cha: “Cha ơi, cha ơi! sao lại bỏ con ra đi như vậy…”.
Tiếng kêu khóc khiến ai nấy đều không khỏi xót xa. Kế bên, ông Lương Văn Hiền (cha ngư dân Lương Văn Hùng - thuyền viên bị mất) thì như chết lặng khi thấy chiếc thùng đá đựng thi thể con mình. Nước mắt như đã khô cạn, ông Hiền nhìn mặt con trai lần cuối, gục xuống.
Thuyền trưởng Lương Văn Viên trở về, đau đáu 12 bạn tàu còn mất tích. |
Người đàn ông đầu đã điểm tóc bạc không thể ngờ có ngày lại khóc tiễn đầu xanh như vậy. “Con trai tôi có hàng chục năm làm nghề biển này, nhưng chuyến biển định mệnh này đã cướp sinh mạng của con, giờ các cháu của tôi đã mất cha... làm sao đây con ơi” - ông Hiền nghẹn ngào.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - có mặt tại buổi đón các ngư dân gặp nạn trở về và gửi đến gia đình ngư dân có người qua đời lời hỏi thăm, lời chia buồn sâu sắc. “Bà con hãy nén đau thương vượt qua khó khăn đùm bọc, yêu thương lẫn nhau để tiếp tục vững vàng trên con đường vươn khơi bám biển”, ông Thanh nói. Ông Thanh cho hay, chính quyền luôn đồng hành với ngư dân và xin được sẻ chia trước những đau thương, mất mát này. “Chính quyền địa phương mong bà con hãy vững tâm, cố gắng để vượt qua biến cố, đau thương này”, ông Thanh nói.