Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân khiến ‘gió đổi chiều’ ở Mỹ

TPO - Cuối tháng 1/1968, người Mỹ nghĩ rằng quân đội của họ sẽ giành chiến thắng ở miền Nam Việt Nam sau 3 năm leo thang. Nhưng sau đó, chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã giáng một đòn mạnh vào sự ủng hộ của dư luận Mỹ đối với quân đội, dẫn đến cảnh Mỹ phải chấp nhận rút quân và sơ tán người của mình.
Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân khiến ‘gió đổi chiều’ ở Mỹ ảnh 1

Khói đen bao trùm một góc Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Đến cuối tháng 1/1968, quân Mỹ đã tham chiến trực tiếp ở Việt Nam được gần 3 năm. Tuy nhiên, đây là một phần của cuộc chiến dài hơn từ sau Thế chiến 2.

Khi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào tháng 3/1965, hầu hết các thị trấn và ấp, xã đều thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trong khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang bên bờ vực sụp đổ. Quân đội Mỹ định lập ra hàng loạt căn cứ trên khắp miền Nam, đẩy quân giải phóng khỏi các căn cứ an toàn và hỗ trợ lực lượng Việt Nam Cộng hòa giành lại thế chủ động. Khi đó, tướng William C. Westmoreland bảo đảm với các chính trị gia và báo chí Mỹ rằng tình hình thực địa đang tiến triển và Mỹ có thể chiến thắng cuộc chiến này.

Đến cuối năm 1968, Mỹ đã đưa 485.000 binh lính vào miền Nam Việt Nam và kiểm soát được 2/3 đô thị ở miền Nam. Khi đó, Mỹ ước tính quân số của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ khoảng 220.000. Mỹ đánh giá việc tuyển mộ của Quân giải phóng miền Nam tại các làng mạc đang suy giảm, trong khi lực lượng di chuyển từ miền Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh cũng giảm đáng kể.

Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân khiến ‘gió đổi chiều’ ở Mỹ ảnh 2

Tướng William C. Westmoreland

Dù dư luận Mỹ khi đó đã mệt mỏi vì chiến tranh, nhưng quân đội hứa hẹn tình hình chiến trường đang tiến triển, còn tướng Westmoreland dự báo cuộc chiến sẽ kết thúc vào năm 1970. Tuy nhiên, tiến triển phải được duy trì, nếu không dư luận và các chính trị gia sẽ mất niềm tin vào những dự đoán như vậy. Tháng 11/1967, Westmoreland tuyên bố cuộc chiến đã bước sang giai đoạn mới. Nhiều tờ báo ủng hộ quan điểm này, các chính trị gia và dư luận được xoa dịu.

Tuy nhiên, Hà Nội nghĩ khác, với việc lên kế hoạch phản công nhiều mục tiêu trên khắp miền Nam. Quân giải phóng thâm nhập các thành phố và thị xã trước khi triển khai một đợt tấn công ồ ạt vào trụ sở chính quyền và căn cứ quân sự. Hành động quân sự là bước khởi đầu, là chất xúc tác để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân và lật đổ chính quyền miền Nam.

Kế hoạch bắt đầu bằng việc đánh vào Khe Sanh, khiến quân đội Mỹ cuối cùng phải từ bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu này.

Trước Tết Mậu Thân 1968, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa biết quân giải phóng miền Nam Việt Nam lên kế hoạch tấn công trong dịp này, nhưng không biết cuộc tấn công sẽ xảy ra ở đâu. Họ cũng không biết về sức mạnh mà chiến dịch tổng tiến công này sắp tạo ra.

Sau ngày 20/1, khi phương Tây vẫn đang nói về căn cứ Khe Sanh gần khu phi quân sự, hàng chục ngàn Quân giải phóng miền Nam và quân đội miền Bắc âm thầm di chuyển đến vị trí trên khắp các thành phố và thị xã, chuẩn bị sẵn vũ khí để chờ lệnh.

Ngày 30/1 (mùng Một Tết), lực lượng giải phóng đồng loạt tấn công hàng chục mục tiêu trên khắp miền Nam, bao gồm trụ sở chính quyền, căn cứ quân sự và các mục tiêu khác. Trong những ngày tiếp theo, cả thế giới dõi theo cuộc chiến qua truyền hình, khi quân Mỹ và đồng minh ở miền Nam cố gắng giành lại quyền kiểm soát các thành phố và thị xã.

Theo đánh giá của phương Tây, thiệt hại lớn nhất đối với Washington sau cuộc tổng tiến công này là sự ủng hộ sụt giảm từ dư luận Mỹ. Trong những ngày định mệnh đó, các chính trị gia ở Washington DC và người Mỹ đã mất niềm tin vào quân đội. Tướng Westmoreland dự báo ngày tàn sắp đến, nhưng không phải theo cách mà ông ta mong muốn.

Sau cuộc tổng tiến công, Westmoreland bị thay thế bằng tướng Creighton W. Abrams. Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson giã từ Nhà Trắng sau khi nhận kết quả tồi tệ trong đợt bầu cử sơ bộ để rồi bị thay bằng Richard Nixon, người đã đưa ra lời hứa đạt được “hòa bình trong danh dự” trong cuộc chiến ở Việt Nam. Lời hứa đó được đưa ra không lâu sau khi Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam.

Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân khiến ‘gió đổi chiều’ ở Mỹ ảnh 3

Lính thủy đánh bộ Mỹ ở miền Nam Việt Nam

Nhóm lính Mỹ cuối cùng phải rời khỏi miền Nam Việt Nam vào tháng 6/1972, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn thêm 3 năm nữa. Mùa Xuân năm 1975, quân giải phóng tiếp tục triển khai một đợt tấn công nữa, bắt đầu từ ngày 10/3. Quân Việt Nam Cộng hòa chẳng mấy chốc bị áp đảo.

Ngày 29/4 năm đó, Tổng thống Gerald Ford ra lệnh triển khai Chiến dịch Gió lốc để sơ tán người của họ khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Sau đó là những ngày hỗn loạn khi các trực thăng Mỹ hối hả bay đến và đi khỏi Đại sứ quán, trong khi xe tăng của quân giải phóng hiện diện trên khắp phố phường của thành phố.

Theo The History Press
Tin liên quan