Âm nhạc thính phòng dù còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước phát triển ở những trung tâm như TP.HCM, Hà Nội. Cuộc thi diễn ra trong 5 ngày, với 2 vòng thi, 13 buổi trình diễn. Đêm diễn báo cáo những tiết mục xuất sắc nhất và trao giải tại Học viện Âm nhạc Quốc gia đông chật khán giả với những tràng vỗ tay vang dội dành cho những tài năng hàng đầu Việt Nam hiện nay trong dòng thính phòng. Cuộc thi thu hút gần 170 thí sinh trên cả nước về tranh tài ở 4 bộ môn Thanh nhạc, Độc tấu Piano, Violin và Hoà tấu. Việc bổ sung môn Hát Thính phòng- Nhạc kịch Thanh khiến cuộc thi thu hút nhiều thí sinh và khán giả hơn. Đặc biệt, năm nay bên cạnh các chuyên gia đầu ngành trong nước, cuộc thi mời cả các giám khảo đến từ Hungary, Pháp và Nga cùng tham gia các hội đồng phần nào thể hiện sự hội nhập của Việt Nam trong dòng nhạc kinh điển phương Tây.
Bộ môn Violon thu hút 17 thí sinh tham gia, số lượng tuy ít, nhưng đều đảm bảo tính chuyên nghiệp, nghiêm túc là đánh giá của đại diện Hội đồng Giám khảo, Trưởng BTC cuộc thi NSND Nguyễn Quang Vinh. Hầu hết các thí sinh trình diễn có chất lượng tương đối cao, một số thực sự là những tài năng trẻ triển vọng, trình diễn có cảm xúc, cá tính. “Tuy nhiên, một số thí sinh khi biểu diễn vẫn bị hạn chế về chất lượng vì yếu tố tâm lý, bị áp lực sân khấu, mất bình tĩnh. Đây là nhược điểm lớn của thí sinh Việt Nam vì ít có cơ hội biểu diễn trước công chúng”, Quyền Cục trưởng Cục NTBD, NSND Nguyễn Quang Vinh nhận định.
Với bộ môn Piano, số lượng các thí sinh tham gia đông đảo chiếm tỷ lệ cao và trải đều ở cả ba miền, số lượng các đơn vị tham gia cũng ngoài các nhạc viện còn thu hút được ở các trường nghệ thuật khác. Nhiều tài năng còn rất trẻ đã đạt tới trình độ diễn tấu cao. “Đây cũng chính là tiền đề cho khả năng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc tế nói chung và nghệ thuật piano nói riêng. Chúng ta có cơ sở và triển vọng để có thể đào tạo được người tài cho đất nước,” ông Vinh khẳng định.
Bộ môn Hòa tấu thính phòng được coi là một sân chơi hướng tới tất cả các đối tượng nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên trong dòng nhạc nhạc giao hưởng thính phòng. Tuy lần này chưa thu hút được nhiều thí sinh tham gia nhưng các nhóm tham dự đều cho thấy trình độ học thuật cũng như kỹ thuật sử dụng nhạc cụ khá cao. Bộ môn này tìm ra 2 giải Ba, một Nhì, không có Nhất.
Ở bộ môn Hát thính phòng- Nhạc kịch, bên cạnh những gương mặt nổi tiếng quen thuộc đã xuất hiện rất nhiều giọng ca trẻ triển vọng và khá đa dạng. Bộ môn này chia 2 bảng. Bảng A dành cho sinh viên, bảng B- nghệ sĩ. Giải Nhất duy nhất của bảng A thuộc về Nguyễn Đoàn Thảo Ly (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tuy nhiên người được giám khảo, NSƯT Đăng Dương cho điểm cao nhất lại là Phạm Phương Khanh- một giọng hát mới 16 tuổi theo học tại Nhạc viện TP.HCM chưa đầy một năm. Thầy của Phương Khanh- NSƯT Tạ Minh Tâm cũng là thành viên BGK năm nay. NSƯT Đăng Dương đánh giá Khanh: “Rất tự tin, tố chất rất tốt, hát đúng kỹ thuật mà vẫn rất nhẹ nhàng, tự nhiên, nghe không mệt mỏi. Bài nào khán giả cũng vỗ tay”. Kết quả cuối cùng, Phương Khanh giành giải Ba. Có ý kiến cho rằng ở độ tuổi còn quá trẻ không nên chấm giải cao, sợ thí sinh bị “khớp” sau này khó phát triển(?)
Trị giá các giải thưởng của cuộc thi Âm nhạc Mùa Thu: Nhất 14 triệu, Nhì 10 triệu đồng, Ba 6 triệu đồng, Khuyến khích 3 triệu đồng. Giải đệm piano (cho bộ môn Thanh nhạc và độc tấu Violon) trị giá 6 triệu đồng.