Thưa giáo sư, cơ duyên nào để ông và nhạc sỹ Phó Đức Phương gặp nhau? Có phải do nhạc sỹ Phó Đức Phương yêu thích Văn học Trung đại?
GS. Trần Ngọc Vương: Anh ấy có quan tâm văn học nhưng hình như đọc Tây nhiều hơn. Chúng tôi biết nhau qua những lần tụ bạ của các “cao nhân”, ngẫu nhiên có mặt, rồi nể nhau! Biết nhau kha khá nhưng thân thân mới ba bốn năm nay thôi.
GS.TS Trần Ngọc Vương, chuyên gia hàng đầu về Văn học Trung đại (Ảnh: FBNV)
Giáo sư có thể kể chút ít về cuộc rượu cuối cùng với nhạc sỹ Phó Đức Phương?
GS. Trần Ngọc Vương: Đó là khi anh ấy nhận “án” của bác sỹ. Anh chủ động gọi triệu tập vài ba người. Buồn!
Tác giả “Chảy đi sông ơi” có vẻ bình tĩnh khi nhận án?
GS. Trần Ngọc Vương: Cũng biết là cực khó thay đổi. Anh ấy gọi khi có chuyện buồn nhưng không muốn nói với nhiều người. Một người có bản lĩnh chấp nhận cuộc chơi sinh tử, dù ít khi lộ ra. Khi vào viện anh ấy giấu không nói địa chỉ. Những cuộc vui trước anh vẫn hát cho nhóm bạn nghe sáng tác mới nhưng hôm cuối thì không hát, mà cho nghe băng thu sẵn. Có một số bài lạ, tôi không nhớ hết tên, nhưng có một bài là “Tửu ca”.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương và GS.TS Trần Ngọc Vương trong cuộc gặp hơn 2 năm trước (Ảnh: FBNV)
Ông đánh giá thế nào về tửu lượng của nhạc sỹ “Trên đỉnh Phù Vân”?
GS. Trần Ngọc Vương: Lúc khỏe anh ấy cũng uống được nhưng cũng không thuộc hàng “sâu”.
Ông có thể kể vài kỷ niệm với nhạc sỹ?
GS Trần Ngọc Vương: Kỷ niệm thì không có nhiều. Nhưng bập vào thì hiểu nhau dễ. Giao tiếp đời thường giữa chúng tôi ít, quí thì chơi theo lối “thâm giao”, ít biết về đời sống của nhau. Phó Đức Phương hơn tôi 11 tuổi. Có một kỷ niệm đáng nhớ nhất là dạo đó anh ấy rất quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc- Nam... Đang đêm anh còn đến nhà tôi nói chuyện. Rất tâm huyết và quyết liệt.
Giáo sư có yêu âm nhạc của Phó Đức Phương không?
GS. Trần Ngọc Vương: Tôi không am hiểu về âm nhạc bác học, nên về ca khúc tôi thấy anh ấy có sức hấp dẫn. Tôi thích khá nhiều bài của Phó Đức Phương. Có lẽ thích gần hết những bài mà cũng nhiều người thích và hát. Bản thân tôi thích được nghe nhạc nhưng lại không có điều kiện để theo đuổi. Nhưng chất phiêu bồng và những giai điệu cứa vào hồn của những người chịu được sự thăng trầm trong đời sống cảm xúc thì tôi dễ đồng cảm hơn.
Cái hồi nhạc sỹ làm về bản quyền âm nhạc, giáo sư có quan tâm không?
GS. Trần Ngọc Vương: Cũng là chuyện “vác tù và hàng tổng” thôi.
Giáo sư có thể họa chân dung Phó Đức Phương trong đôi dòng?
GS. Trần Ngọc Vương: Anh ấy thông minh và khá quyết liệt, đa cảm nhưng khá rạch ròi.