Cuộc không kích đa nghĩa

Cuộc không kích đa nghĩa
TP - Nga tiến hành không kích “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tại Syria chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Vladimir Putin rời kỳ họp thứ 70 của Đại Hội đồng LHQ ở New York, nơi mà người đứng đầu điện Kremlin gây ấn tượng mạnh với đề nghị thành lập liên minh quốc tế rộng rãi chống IS. 

Lý giải của Mátxcơva, trong chiến dịch không kích ở Syria, “Mátxcơva thay mặt cho chính quyền Damascus” và “Nga là quốc gia duy nhất tiến hành chiến dịch không kích một cách hợp pháp dựa trên yêu cầu của chính quyền hợp pháp ở Syria” như lời người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov. Nhưng nếu nhìn vào thực tế, các cuộc không kích của Nga mang nhiều ý nghĩa hơn thế.

Trong bối cảnh nỗ lực chống IS ở Iraq và Syria của liên minh hơn 60 quốc gia do Mỹ đứng đầu không mang lại kết quả mong muốn, động thái của Nga vừa nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực, vừa làm lu mờ vai trò của Washington trong cuộc chiến chống IS.

Tuyên bố hoạt động quân sự của Nga tại Syria là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, nhưng điện Kremlin không che giấu ý định bảo vệ chính quyền Bashar al-Assad. Nga không có nhiều đồng minh ở Trung Đông, và Syria là đối tượng mà họ cần bảo vệ. 

Liên Xô cũ từng hậu thuẫn quân sự và ngoại giao cho Syria từ 40 năm trước, và nay Nga vẫn duy trì căn cứ hải quân ở cảng Tartus, phía Nam Latakia của Syria. Đây là căn cứ giúp Hạm đội Biển Đen của Nga có thể vươn ra Địa Trung Hải.

Mátxcơva muốn vực dậy nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, và yếu tố có thể giúp đẩy giá dầu lên cao là diễn biến có lợi cho Nga trong các cuộc xung đột ở Trung Đông. 

Mặt khác, triển khai quân ở Syria cũng mang lại cho Nga con bài mặc cả trong nỗ lực xóa các lệnh trừng phạt về kinh tế, vào thời điểm châu Âu vật vã trong cuộc khủng hoảng quá tải người di cư mà phần lớn đến từ Syria.

Tại Đại Hội đồng LHQ, với đề xuất sáng kiến Syria, Nga đánh trúng tâm lý lo ngại sự lớn mạnh của IS sẽ đe dọa tới an ninh nhiều nước. Tuyên bố của ông Putin ngay tại New York khiến ông Obama lúng túng. 

Nếu chấp nhận yêu cầu của Mátxcơva, tức là thừa nhận vai trò ngày càng lớn của Nga trong cuộc chiến chống IS và sự bất lực của Mỹ trước IS. Nhưng nếu không đồng ý, sẽ xảy ra nguy cơ va chạm khi máy bay của hai bên cùng hoạt động trong một khu vực. 

Nga đã phá hủy 50 cơ sở của IS tại Syria

Ngày 3/10, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Andrei Kartapolov cho biết, lực lượng không quân Nga đã thực hiện 60 chuyến bay không kích vào 50 cơ sở của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria trong vòng 4 ngày qua. Các cuộc không kích của Nga đã khiến hơn 600 phiến quân phải rời bỏ vị trí.

Ông Kartapolov cho biết thêm, một chiếc máy bay Su-34 đã thả bom xuyên phá và phá hủy một vị trí chỉ huy của IS, đồng thời phá hủy kho chứa vũ khí và thuốc nổ đặt ngầm dưới lòng đất. Không quân Nga cũng đã phá hủy một nhà xưởng của IS ở tỉnh Idlib nơi lực lượng khủng bố sử dụng để gắn các loại súng máy cỡ lớn trên xe bán tải. 

Bộ Quốc phòng Nga và Điện Kremlin cho biết, các đợt không kích ngày 2/10 đã đánh trúng trung tâm chỉ huy và liên lạc của IS ở thành phố Daret Ezza thuộc tỉnh Aleppo, cùng nhiều hầm và kho vũ khí ở khu vực Maaret al-Numan và Habeet thuộc tỉnh Idlib, cũng như cứ điểm chỉ huy của IS ở Kafr Zeita thuộc tỉnh Hama.

Hà Thu
MỚI - NÓNG