Người dân Pháp sắp kỷ niệm 228 năm ngày Quốc khánh, hay còn gọi là ngày Bastille, với lễ duyệt binh hoành tráng cùng các màn bắn pháo hoa và những bữa tiệc. Ngày lễ này xuất phát từ một cuộc cướp ngục diễn ra vào năm 1789, châm ngòi cho cuộc Cách mạng Pháp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên toàn châu Âu thời kỳ đó, theo Time.
Dan Edelstein, chủ nhiệm khoa Văn học, Văn hóa và Ngôn ngữ tại Đại học Stanford và là một chuyên gia về nước Pháp thế kỷ 18, cho biết nước Pháp trải qua mùa hè năm 1789 đầy khó khăn với nạn thiếu thốn lương thực, sưu cao thuế nặng và tình trạng quân sự hóa thủ đô Paris do các chính sách của Vua Louis XVI.
Trước nguy cơ một cuộc cách mạng có thể nổ ra bất cứ lúc nào, hầu tước Bernard-Rene Jordan de Launay, người cai quản ngục Bastille trấn giữ phía đông Paris, lo sợ pháo đài của mình sẽ bị tấn công nên yêu cầu được tăng viện hỏa lực. Ngày 12/7, pháo đài Bastille tiếp nhận 250 thùng thuốc súng, trong khi Launay đưa lính của mình tới đây để bảo vệ.
Pháo đài Bastille được xây dựng từ cuối thập niên 1300 để làm nơi đồn trú cho đội quân cận vệ của Vua Charles V, cũng như bảo vệ sườn đông Paris khỏi những cuộc tấn công của người Anh trong Cuộc chiến Trăm năm (1337-1453). Đây là một trong những công trình lớn nhất ở Paris, với tường thành cao tới 25 mét, cùng một đội quân thường trực trú đóng để bảo vệ và giữ gìn trị an trong thành.
Pháo đài Bastille sau đó trở thành một nhà tù, nơi Vua Louis tống giam các tù nhân chính trị và những người chống đối. Những vụ bắt giam người tùy tiện của Vua Louis XVI khiến nỗi giận dữ của người dân Paris ngày càng gia tăng.
Đến ngày 11/7, khi Vua Louis vô cớ sa thải Bộ trưởng Tài chính Jacques Necker, cơn giận của người dân Paris trở nên sôi sục. Hôm sau, đám đông vài nghìn người tụ tập bên ngoài Cung điện Hoàng gia, sau đó kéo nhau tới điện Tuileries để đòi Vua Louis phục chức cho Necker. Tại đây, trung đoàn kỵ binh hoàng gia được huy động để giải tán đám đông, hành động bị coi như một cuộc tấn công cố ý nhắm vào dân thường.
Lực lượng Cận vệ Pháp được huy động để vãn hồi trật tự, nhưng nhiều binh lính từ chối nổ súng vào người dân, thậm chí nhiều cận vệ đã đào ngũ và gia nhập phong trào nổi dậy. Các quan chức hoàng gia bị tấn công, rượt đuổi khắp thành phố, nhiều cơ quan chính quyền bị cướp phá.
Trong ngày 12 và 13/7, người dân Paris tập trung thu thập vũ khí nhằm chống lại âm mưu tấn công từ phe bảo hoàng. Các cửa hàng vũ khí, các kho súng nhỏ đều bị người dân cướp phá để tự vũ trang.
Sáng 14/7, vài nghìn người kéo tới Điện Invalides ở phía tây Paris, nơi có một kho súng trường lớn và vài khẩu đại bác cỡ nhỏ dưới tầng hầm. Đám đông tràn vào tòa nhà, cướp kho vũ khí, trong khi binh lính của những trung đoàn đóng quân gần đó từ chối can thiệp.
Những người nổi dậy tìm được khoảng 30.000 khẩu súng, nhưng có rất ít thuốc súng và đạn dược. Đúng lúc đó, một cận vệ đào tẩu tiết lộ thông tin rằng 250 thùng thuốc súng vừa được chuyển tới ngục Bastille. Đám đông lập thành một đoàn người dài 4 km cùng vài khẩu đại bác kéo tới pháo đài này.
Tới nơi, họ cử đại diện ra đàm phán với hầu tước Launay, với hy vọng rằng viên quản ngục này sẽ cho phép họ tiếp cận với kho thuốc súng trong pháo đài, giống như các sĩ quan ở Điện Invalides. Tuy nhiên Launay không chịu thỏa hiệp, bởi ông ta vừa nhận được lệnh từ Cung điện Hoàng gia, yêu cầu phải bảo vệ pháo đài Bastille bằng mọi giá. Launay có trong tay 120 lính cùng 18 khẩu đại bác, ông ta tin rằng mình đủ sức bảo vệ pháo đài Bastille kiên cố trước đám đông vài nghìn người.
Sau khi thương thảo với đại diện của người dân, Launay đồng ý rút 18 khẩu đại bác, nhưng kiên quyết không giao lại kho thuốc súng cho họ. Đến 13h30, một nhóm nhỏ người dân trèo qua cổng thành, vào được tới khoảnh sân giữa của ngục Bastille. Lo sợ một cuộc tấn công quy mô lớn, Launay ra lệnh cho binh sĩ nổ súng vào những người đột nhập, một quyết định sai lầm khiến hầu tước này phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Nghe tiếng súng nổ, đám đông quanh Bastille ào tới và vây hãm pháo đài suốt ba giờ. Những người lính đào tẩu giúp họ sử dụng đại bác bắn liên tiếp vào cổng thành. Nhận thấy tình hình trở nên vô vọng, các sĩ quan dưới quyền Launay thuyết phục ông đầu hàng.
Launay ban đầu giở trò đe dọa những người nổi dậy rằng nếu họ không ngừng tấn công, ông ta sẽ cho nổ kho thuốc súng, biến phần lớn đông Paris thành bình địa. Khi lời đe dọa này không hiệu nghiệm, Launay quyết định kéo cờ trắng trên pháo đài và đầu hàng lúc 17h.
Đám đông lập tức tràn vào ngục Bastille, bắt giữ Launay và phóng thích 7 tù nhân đang bị giam giữ tại đây. Lãnh đạo cuộc nổi dậy ra lệnh đưa Launay tới tòa thị chính để xét xử, nhưng trên đường áp giải, ông ta bị đám đông lôi kéo và giết chết bằng dao. Pháo đài Bastille bị người dân kiểm soát và sau đó bị phá hủy theo lệnh của Công xã Paris.
Cuộc cướp ngục Bastille trở thành một trong những sự kiện biểu tượng của lịch sử châu Âu, châm ngòi cho cuộc Cách mạng Pháp, chấm dứt chế độ cai trị của dòng họ Bourbon. Năm 1792, chế độ quân chủ Pháp bị bãi bỏ, Vua Louis và Hoàng hậu Marie-Antoinette bị đưa lên đoạn đầu đài vì tội phản bội một năm sau đó.
Dù phải gần một thế kỷ sau, ngày 14/7 mới được coi là quốc khánh của nước Pháp, đây vẫn là sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ với nước Pháp mà còn với toàn châu Âu. "Nếu có tiếng súng nào vang dội khắp thế giới, đó là khi người Paris cướp ngục Bastille", Edelstein nhấn mạnh.