Cuộc chiến tháng 2/1979, hồi ức của một lính trận

0:00 / 0:00
0:00
TP - Viết về cuộc chiến đấu chống quân bành trướng phương Bắc hồi tháng 2/1979 của quân và dân ta từ bấy đến nay cũng đã có đây đó, kể cả văn học hư cấu (truyện ngắn, tiểu thuyết) và văn học phi hư cấu (hồi ký).

Tuy nhiên, do nhiều lý do, các tác phẩm hầu như chưa miêu tả chân thực sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, sự tàn ác của kẻ thù, sự chiến đấu quả cảm và những mất mát đau thương của quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới.

Mong ước của bạn đọc, đặc biệt của những người cựu chiến binh chống kẻ thù năm ấy (nay đã về già) muốn có được những trang viết thật sự chân thực, có trách nhiệm, sống động về giai đoạn lịch sử bi tráng này… Cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” (Nxb Phụ nữ Việt Nam và Nhã Nam, 8/2022) của tác giả Nguyễn Thái Long, người lính trận ngày đó như một hồi đáp cảm động và đầy trách nhiệm trước các cựu chiến binh, trước bạn đọc và lịch sử.

Cuộc chiến tháng 2/1979, hồi ức của một lính trận ảnh 1

Cựu chiến binh, nhà văn Nguyễn Thái Long (phải) cùng đồng đội

Cuộc chiến tháng 2/1979, hồi ức của một lính trận ảnh 2

Như trong phần “Thay lời tựa”, tác giả cho biết cuốn sách ra đời do một thôi thúc rất đặc biệt. Số là vào ngày 17/2/2019, nhân dịp 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc, các cựu chiến binh của Trung đoàn 567, đơn vị đã chiến đấu ròng rã gần 10 năm trên biên giới phía Bắc ngày đó đã tập hợp về TP Cao Bằng để làm lễ kỷ niệm.

Trong phần chuẩn bị cho buổi lễ gặp mặt, các cựu chiến binh đã cho đúc một kỷ niệm chương với dòng chữ “Chiến thắng biên giới” để trao tặng cho các cựu chiến binh trong buổi lễ. Những sự kiện tiếp theo liên quan đến tấm kỷ niệm chương khiến trong lòng cựu binh Nguyễn Thái Long cảm thấy day dứt, như thể có lỗi với rất nhiều đồng đội và nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến đó. Và anh đã quyết định viết những dòng hồi ức đầu tiên. Đây là tiếng nói của một người lính trực tiếp chiến đấu ngay những ngày đầu tiên tháng 2/1979. Tác giả lúc đó là y sĩ trên chiến trường, trực tiếp phụ trách công tác cứu thương, lấy xác và chôn cất tử sĩ…

Cuộc chiến tháng 2/1979, hồi ức của một lính trận ảnh 3

Để có được cuốn sách này cũng lắm công phu. Tôi vốn không quen biết tác giả Nguyễn Thái Long. Lang thang trên mạng, thấy anh hay viết những đoạn hồi ức ngăn ngắn về những năm tháng chiến tranh biên giới. Ban đầu tôi cũng lướt qua, không để ý.

Một lần, anh bạn thân của tôi vốn cũng là lính chiến tranh tháng 2/1979 rủ tôi lên lên nghĩa trang Quảng Hòa - Cao Bằng thắp hương cho các liệt sĩ đồng đội của anh ấy. Trong chuyến đi, tôi được gặp một số cựu chiến binh, được nghe kể nhiều chuyện bi hùng của cuộc chiến tranh, lại được vào thăm hang Keng Riềng, nơi lính địch dùng súng phun lửa và B41 thảm sát 26 người trong đó có 20 thương binh, hai cô y tá và mấy cô bé học trò cấp ba tham gia giúp đỡ chăm sóc thương binh…

Từ chuyến đi này, tôi hay để ý đến những câu chuyện liên quan đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc ngày đó. Gặp được những ghi chép của anh Nguyễn Thái Long, tôi đọc, rồi vào bình luận, dần dần làm quen, kết bạn facebook. Khi thấy anh đã viết được kha khá rồi, tôi động viên anh ấy viết tiếp và viết trong ý thức để ra một quyển sách. Đến một ngày, anh ấy gửi bản thảo cho tôi, tôi đọc thấy cảm phục và xúc động.

Băn khoăn về chuyện in ấn, tôi hỏi vài người bạn, rất may được khích lệ. Từ bấy trở đi, nhờ bạn bè giúp đỡ, động viên, góp ý bản thảo, tìm chỗ gửi gắm để xuất bản, và đến khi ra sách cũng mất hơn 2 năm trời.

Có một người bạn cũng làm nghề viết đầy kinh nghiệm, khi đọc bản thảo, đã khuyên tác giả nên lần tìm lại quê hương của một nhân vật (mà trong những năm tháng chiến tranh tác giả rất gắn bó và yêu mến, được nhắc đến nhiều trong trang viết) để lấy thêm tư liệu và cảm xúc. Tác giả đã cất công lần tìm mọi mối quan hệ, chắp nối thông tin, cuối cùng đã tìm ra địa chỉ.

Lần ấy, anh Nguyễn Thái Long có rủ tôi về cùng. Đó là quê của nhân vật tiểu đoàn trưởng được gọi thân mật là “Bố Hoan”: xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Khi tìm về đến nơi, người thủ trưởng cũ của tác giả đã mất do tuổi già ở mãi miền núi Khánh Hòa… Chuyến đi này để lại nhiều bùi ngùi thương cảm cho tác giả. Và chính vì thế, ở những trang viết cuối cùng của cuốn sách, tác giả đã kể lại chuyến đi và dành cho người thủ trưởng cũ của mình những trang viết xúc động nhất.

Cũng nhờ chuyến đi này, nhiều trang hồi ức gắn với nhiều cảnh huống, nhiều nhân vật có thực trong những năm tháng chiến tranh trên biên giới Cao Bằng-Hà Giang được miêu tả trong một dòng mạch xuyên suốt, gợi lên nhiều tầng nghĩa sâu xa và sự xúc động mạnh mẽ.

Trong tác phẩm gần 400 trang in, tác giả kể về một chặng đường quân ngũ 15 năm của mình, trong đó có gần 5 năm đóng quân và chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc. Có những phần viết từ hồi ức của chính mình. Có những phần viết bằng cách phục dựng lại quá khứ theo lời kể của các đồng đội mà tác giả đã trực tiếp gặp gỡ, hỏi chuyện, khai thác thông tin và cùng với các tài liệu khác.

Phần viết bằng ký ức trực tiếp của bản thân tác giả chính là phần đầu tiên của cuốn sách kể về cái mốc lúc tác giả nhập ngũ, rèn luyện, rồi được điều động về trung đoàn 567. Phần này dường như tác giả có chủ ý viết ít đi để ưu tiên viết về đồng đội và những tư liệu khai thác được từ đồng đội.

Có lẽ phần sống động nhất của cuốn sách nằm ở hai câu chuyện lớn: những trận đánh khốc liệt, quả cảm của bộ đội ta chống trả sự tấn công của kẻ thù, ngăn chặn đà tiến công của chúng; và những tội ác trời không dung đất không tha của kẻ xâm lược đối với thương bệnh binh và đồng bào ta.

Cách viết của tác giả không né tránh, đảm bảo độ chân thực cao nhất ở mức có thể. Tác giả viết trong tư cách như một người trong cuộc, một nhân chứng sống của cuộc chiến; đồng thời viết như một niềm tri ân, tưởng nhớ đồng đội thiêng liêng. Cho nên, nguyên tắc trung thực được đặt lên hàng đầu. Một ghi nhận nữa ở cuốn sách này, người viết đã phục dựng được khá rõ không khí của các khung cảnh, các trận đánh, các mất mát hy sinh, những nét sinh hoạt muôn màu muôn vẻ của người lính… Chính cái không khí của sự miêu tả đã là chất keo dính kết các chất liệu, chi tiết, khiến các trang viết có sức hấp dẫn, cuốn hút người đọc.

Sau khi cuốn sách được xuất bản, anh đã dành toàn bộ nhuận bút và phải bù thêm, mua 300 cuốn để gửi tặng một số cựu chiến binh cùng đơn vị cũ và một số trường học các cấp tại Cao Bằng. Cũng lại được một số bạn đọc là bạn bè, đồng đội của anh có điều kiện tài chính đã mua một số sách để tặng đồng đội cũ và người thân.

Tác giả Nguyễn Thái Long cho biết, qua điện thoại, email, facebook…, anh đã nhận được nhiều phản hồi ân cần, cảm động về cuốn sách. Đây là trích đoạn trong bức email cô giáo Quỳnh Anh, giáo viên trường Tiểu học thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa: “Cháu và các đồng nghiệp cũng như hơn 400 HS trường Tiểu học TT Tà Lùng rất cảm ơn chú. Nhờ có chương trình “tặng sách lên biên giới” mà cô và trò trường cháu mới hiểu rõ và biết chi tiết hơn về lịch sử địa phương mình.

Qua cuốn sách - ngược dòng thời gian - theo đúng nghĩa của “Tiếng vọng” cháu đọc mà không cầm nổi nước mắt. Sự gian nan, vất vả và sự hy sinh của các chiến sĩ Trung đoàn 567 cũng như của nhân dân 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng quả là đau thương, thống khổ đến tận cùng! Sự đau thương ấy còn được nhân lên trong cháu bội phần bởi cũng trong sáng ngày 17/02 ấy cha và anh cháu đã ra đi mãi mãi khi đang làm nhiệm vụ hướng dẫn, di dời bà con ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Những trận pháo với sức công phá lớn đã đánh sập hang núi - cha và anh cháu vĩnh viễn nằm lại ở đó bỏ lại sau lưng đứa con thơ vừa được vài tháng tuổi chưa biết mặt cha cũng chưa từng gọi được tiếng cha! Sau 39 năm, nay cha và anh cháu cũng đã được đưa về nghĩa trang liệt sỹ của huyện Phục Hòa.

Đọc sách Chú - một Nhân chứng sống của lịch sử đã viết, cháu vô cùng xúc động.

Cuối cùng cá nhân cháu cũng như Tập thể giáo viên và học sinh Trường tiểu học Thị trấn Tà Lùng kính chúc chú và các Chiến sĩ năm ấy luôn mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến những điều còn có thể...”.

Có lẽ, những dòng thư chân thực và cảm động như thế này đã như một bảo đảm tin cậy về ý nghĩa và giá trị của cuốn sách.

Nguyễn Thái Long, sinh năm 1955, quê tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Năm 1972, ông nhập ngũ rồi học y sĩ trong quân đội. Năm 1975, ông ra trường, được điều về trung đoàn 567. Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều lên Cao Bằng làm kinh tế và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979. Năm 1987, ông chuyển ngành làm bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, sau làm Giám đốc bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông nghỉ hưu năm 2015.

MỚI - NÓNG