Theo ghi nhận của PV dọc các tuyến đường trên địa bàn TPHCM, dù lực lượng chức năng liên tục kiểm tra xử phạt nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn tràn lan. Người dân vô tư sử dụng vỉa hè để bán hàng rong, làm nơi chất hàng hóa, đổ vật liệu xây dựng, làm bãi giữ xe… các quán cả phê vỉa hè còn bày bàn ghế chiếm gần hết không gian dành cho người đi bộ.
Trên các tuyến đường như Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, khu vực trước bưu điện TPHCM, lực lượng liên ngành đã ra quân xử phạt người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi đậu xe, hàng quán, hàng rong. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV thì nhiều chủ cửa hàng vẫn tái phạm, sau khi lực lượng chức năng rút đi thì hàng quán lại mọc lên trên vỉa hè.
Nhiều khu vực khác như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Nơ Trang Long… quận Bình Thạnh, vỉa hè dành cho người đi bộ khá chật hẹp nhưng bị lấn chiếm để làm nơi đậu xe, bán hàng hóa, quán ăn… bít hết lối đi. Có những đoạn các cửa hàng tạp hóa chiếm hết phần vỉa hè để trưng bày hàng hóa, trong khi đó người mua hàng đậu xe ngay dưới lòng đường. Người đi bộ qua đây thậm chí chấp nhận nguy hiểm phải đi vòng xuống lòng đường để qua các cửa hàng tạp hóa.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng được xem là đường đẹp nhất thành phố nhưng cũng là “thủ phủ” ăn nhậu khi hàng quán mọc lên chi chít. Khoảng thời gian từ 17h chiều trở về đêm, nhiều đoạn của tuyến đường này gần như thuộc về quán nhậu khi xe máy, bàn ghế bày khắp nơi. Thậm chí, một số quán nhậu còn cho nhân viên đứng hẳn xuống lòng đường dành cho xe máy để vẫy đón khách.
Bán hàng rong tại khu vực nhà thờ Đức Bà, bưu điện TPHCM, ông L.T (quê Quảng Ngãi) cho biết, ông bán hàng rong kiếm sống hơn 30 năm qua tại khu vực này, mỗi khi thấy lực lượng chức năng đi dẹp lòng lề đường ông lại vội gom đồ bỏ chạy. Ông T. cho rằng, ông bán hàng rong cho khách du lịch, không có hàng quán nên ông phải bày bán trên vỉa hè, nhiều lần bị phạt nhưng phạt xong ông lại bán lại. “Giờ chỉ mong chính quyền cấp cho tôi một ô nào nó trên vỉa hè để bán hàng chứ bao nhiêu năm nay mưu sinh bằng nghề này, giờ già rồi biết làm gì khác nữa. Biết chiếm vỉa hè là sai nhưng không còn cách nào khác”, ông T. nói.
Ô tô đậu trên vỉa hè bị cẩu về trụ sở công an xử lý.
“Không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn”
Với quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đặc biệt là nơi tập trung nhiều khách du lịch, những ngày qua lãnh đạo UBND quận 1 (TPHCM) trực tiếp đi xuống từng tuyến đường, con hẻm của quận để chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán, đậu xe,… lấn chiếm vỉa hè.
Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 (TPHCM) cho biết, hai tháng đầu năm 2017, đơn vị này đã lập biên bản, xử phạt 1.342 trường hợp vi phạm với số tiền 504 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ quản lý trật tự đô thị của 10 phường cũng lập biên bản, xử phạt 686 trường hợp vi phạm với số tiền 368 triệu đồng. Trong đó nhiều nhất là các lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm vệ sinh môi trường như các bãi giữ xe trái phép, lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán hàng rong, vứt xả rác bừa bãi… Lãnh đạo đơn vị cho biết, từ ngày 20/2, đơn vị áp dụng theo mức phạt mới của nghị định 155 để kiên quyết lập lại trật tự lòng lề đường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ có biện pháp riêng.
Ngày 20/2, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 tiếp tục kiểm tra xử phạt tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 1.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã quyết liệt kiểm tra, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ nhiều công trình lấn chiếm vỉa hè. Tại giao lộ Nguyễn Trãi - Nam Quốc Cang (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), đoàn kiểm tra đã yêu cầu tháo dỡ bức tường bê tông xây lấn chiếm vỉa hè của một tòa cao ốc.
Nhiều bồn hoa, thùng ATM án ngữ trước mặt tiền Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 1 (một đơn vị thuộc Quận ủy quận 1) cũng bị tháo dỡ để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Chỉ đạo tại buổi kiểm tra, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 nhấn mạnh: “Làm các cơ quan nhà nước trước để các cơ quan nhà nước phải làm gương, chứ không thể nào cứ đi đập dỡ nhà dân trong khi các cơ quan nhà nước vi phạm mà mình không xử lý. Dứt khoát phải làm quyết liệt, liên tục để trong năm 2017 phải dứt điểm những tồn đọng đối với đô thị. Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không đánh trống bỏ dùi, hay làm cho có phong trào”.
Thể hiện sự quyết tâm “đòi lại” vỉa hè cho người đi bộ, biến quận 1 thành một “Singapore thu nhỏ”, ông Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải một tuần hai ngày trực tiếp đi kiểm tra, xử lý. Các ngày còn lại giao cho 10 chủ tịch phường trực tiếp đi xử lý cho đến hết năm nay. Theo ông Hải, phải làm sao đến cuối năm nay, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè phải chấm dứt, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. “Nếu phường nào làm không tốt, không nghiêm, không hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND TPHCM, chắc chắn cán bộ phường đó sẽ bị xử lý theo các hình thức điều chuyển, giáng chức, thậm chí là cách chức”, ông Hải nói.
Sau khi có nhiều ý kiến về việc lắp đặt các barie ở một số tuyến đường trung tâm thành phố để ngăn xe máy “cướp đường” người đi bộ, Sở GTVT TPHCM đã giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm thêm 2-3 mẫu barie mới để đưa ra lắp đặt thí điểm trên vỉa hè một số tuyến đường của quận 1. Việc lắp đặt các barie mẫu mới này này sẽ được tham khảo ý kiến của Ban An toàn giao thông TPHCM, UBND quận 1, hội người khuyết tật,… nhằm tránh tình trạng gây khó khăn cho người đi bộ trên vỉa hè có barie.