'Cuộc chiến' cột điện: Gia hạn thêm một tháng !

'Cuộc chiến' cột điện: Gia hạn thêm một tháng !
TP - Liên bộ vừa quyết định nới thêm một tháng nữa để các DN tự đàm phán mức giá thuê cột điện. Trong khi đó, một số DN lo xa đã tính tới việc tự trồng cột rồi cho thuê.

>> Cột điện…tâm sự

'Cuộc chiến' cột điện: Gia hạn thêm một tháng ! ảnh 1
Chuyện về cái cột điện này vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: Hồng Vĩnh

Hôm qua (26-1), Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cùng ngồi lại bàn bạc phương án giải quyết cuộc chiến cột điện giữa một bên là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một bên là các DN viễn thông. Kết quả là các DN có thêm 1 tháng nữa để đàm phán, thoả thuận sau một 1 năm ròng thất bại trong thương thảo.

Hạn chót 28-2, nếu các DN không đi đến thống nhất, cơ quan nhà nước sẽ vào cuộc xem xét lại giá cho thuê trên nguyên tắc đây là cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư sử dụng chung, không tính cho thuê theo giá thành, từ đó sẽ đưa ra phán quyết.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT, cho đến nay, theo quy định hiện hành, giá cho thuê cột điện không nằm trong danh mục nhà nước quy định.

Vì vậy, về lâu dài, ba bộ cho rằng cần phải có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật, trong đó có sử dụng cho viễn thông. Thông tư liên tịch này do Bộ Công Thương chủ trì, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III.

Cũng theo ông Hải, về lâu dài chắc chắn sẽ có nghị định của Chính phủ quy định về việc sử dụng hạ tầng chung, đặc biệt là hạ tầng liên ngành đối với giao thông, xây dựng, viễn thông điện lực, chiếu sáng công cộng và cấp thoát nước.

Từ nay đến khi có văn bản quy định của nhà nước, ba bộ thống nhất yêu cầu các DN giữ nguyên hiện trạng, cả về số cáp treo trên cột của điện lực và về mức giá cũ.

Trong thời gian tới, quan điểm của Bộ TT&TT là tăng cường ngầm hóa ở các khu đô thị mới. Tuỳ xem khả năng, nguồn kinh phí bố trí được đến đâu thì ngầm hoá đến đó. Với những khu vực cũ do lịch sử để lại, phải cố gắng ngầm hoá tối đa theo chi phí của địa phương. Bộ cũng khuyến khích xã hội hoá hạ tầng ngầm và sử dụng chung để tiết kiệm chi phí và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Nhà ai nấy trồng

Dù bộ khuyến khích như vậy nhưng một số DN đã tính tới việc trồng thêm cột hoặc bắt tay nhau dùng chung cột. Mới đây, VNPT và Viettel đã có thoả thuận cùng xây thêm khoảng 1 triệu cột trên toàn quốc phục vụ cho 2 DN này và cũng cho thuê.

Theo tính toán của VNPT sau khoảng 3 - 4 năm sẽ hoàn vốn đầu tư thay vì phải tiếp tục thuê của EVN với mức giá cắt cổ.

Cách đây 3 tháng, EVN quyết định tăng giá cho thuê cột điện sau 6 năm duy trì ở mức giá cũ. Mức giá này tăng từ 4-8 lần.

Theo thống kê, trên một cột điện chỉ có 10% là dây điện, còn 90% là dây cáp viễn thông, trong đó gần một nửa là dây vô chủ.

Cụ thể nếu theo giá cũ 2008, chi phí thuê cột mỗi năm của VNPT, Viettel, FPT, SPT phải trả cho EVN là 67, 48, 18 tỷ và 2 tỷ đồng. Còn nếu áp theo mức giá mới thì con số tương ứng tăng vọt thành 310, 235, 80 và 12 tỷ đồng.

Một đại diện của VNPT than thở, việc làm này vừa tốn kém, vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa khó khăn do không phải chỗ nào cũng có thể trồng cột. Tuy nhiên đây là giải pháp lâu dài vì không thể cứ mãi làm thân tầm gửi, nhất là khi chưa có quy định rõ ràng về việc chia sẻ hạ tầng.

Nếu tính số cột bê tông VNPT đang sở hữu là 2,2 triệu cột, đi thuê của EVN 1,2 triệu cột; tương tự với Viettel là 300.000 cột và 500.000 cột, cả nước tới đây sẽ phải gánh 5 triệu cột điện với hàng trăm nghìn búi dây điện, cáp viễn thông... Bên cạnh vấn đề mất mỹ quan đô thị, lại một lần nữa người ta được chứng kiến mặt sau của cái gọi là “tình đoàn kết giữa các DN”.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.