Cửa sáng cho phim kinh dị 'học' dân gian

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo chia sẻ từ các đoàn phim, giữa tháng 8 tới, phim kinh dị “Ma Da” sẽ khởi chiếu. Tiếp đó, trong tháng 9, khán giả cũng sẽ được thưởng thức “Con Cám” - dị bản kinh dị lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Dự án “Linh Miêu” cũng đã ấn định ra rạp vào tháng 11 tới đây… Dồn dập tin vui báo hiệu sự khởi sắc của dòng phim kinh dị. Và điểm chung từ các dự án này là đều khai thác các yếu tố kinh dị dân gian của văn hóa Việt.

Nỗi sợ từ những câu chuyện ma dân gian

Ma Da” của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng là bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện tâm linh về “ma da kéo giò” được tương truyền trong dân gian qua bao đời, trở thành nỗi ám ảnh qua nhiều thế hệ. Đầu tháng 7 vừa qua, nhà sản xuất đã chính thức tung teaser trailer của tác phẩm, mở ra không gian kỳ dị, u tối với những chi tiết mang đến cảm giác vừa sợ hãi, vừa bi thương.

Sau “Quỷ cẩu”, đạo diễn Lưu Thành Luân và giám đốc sáng tạo Võ Thanh Hòa tiếp tục giới thiệu dự án “Linh miêu”, bộ phim khai thác những chuyện truyền miệng quanh hiện tượng quỷ nhập tràng. Linh miêu được mô tả là loài mèo có toàn thân màu đen, giữa trán có một chòm lông giống như con mắt thứ ba mà theo truyền thuyết là có thể giúp chúng nhìn thấy các thế lực siêu nhiên, khiến người chết ngồi dậy khi nhảy qua xác. Ngày nay, có nhiều dị bản về hiện tượng quỷ nhập tràng và hình tượng linh miêu qua những câu chuyện truyền miệng khắp nơi từ Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan hay Việt Nam.

“Linh miêu” nằm trong dự án trilogy (bộ ba phim có nội dung độc lập hoặc liên quan đến nhau, tạo nên một sự liên kết nhất định thành một thể hoàn chỉnh về thông điệp, hình ảnh hoặc chất liệu chủ đạo) về phim kinh dị của Võ Thanh Hòa và Lưu Thành Luân. Trước đó, “Quỷ cẩu” thành công vang dội khi mượn truyền thuyết “Chó đội nón mê” để cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức trong một gia đình hành nghề bán thịt chó. Khi gia đình của nhân vật chính gặp những chuyện quỷ quyệt, sinh vật kỳ dị này bắt đầu lộ diện.

Con Cám” của đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng là một trong những bộ phim đang được khán giả chờ đợi, bởi khai thác câu chuyện cổ tích vốn quá quen thuộc nhưng hứa hẹn được làm mới và khác biệt. “Con Cám” gây ám ảnh với poster hình đôi bàn tay mục rữa đang cho cá bống ăn trên miệng giếng. Câu hát “bống bống bang bang” cũng được nhà sản xuất hé lộ trên poster, làm tăng thêm yếu tố bí ẩn, rùng rợn.

Trước đó, đạo diễn Trần Hữu Tấn từng mang đến nhiều bộ phim kinh dị nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả như “Tết ở làng địa ngục”, “Kẻ ăn hồn”, “Chuyện ma gần nhà”, “Bắc Kim Thang”, “Rừng thế mạng”… Đặc biệt, “Tết ở làng địa ngục”, khai thác đậm nét các yếu tố văn hóa dân gian với các hình ảnh dân dã quen thuộc như “đom đóm câu hồn”, “con đò chở vong”, “rượu sọ người”, tập tục thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo, các bài đồng dao ma mị,... Sau thành công của 12 tập phim “Tết ở làng địa ngục”, êkip tiếp tục trình làng phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn”, - xoay quanh câu chuyện về làng Địa ngục thuở sơ khai. Hình ảnh đoàn người đeo mặt nạ chuột làm bằng giấy bồi, khung cảnh đám cưới đầu phim hiện lên như tác phẩm “Đám cưới chuột” của dòng tranh Đông Hồ. Việc rước dâu vào buổi tối cũng lấy cảm hứng từ tục cưới đêm của người Dao Mẫu Sơn. Các hình ảnh hình nhân, rối nước, rượu ngâm, cây sa mộc xuất hiện nhiều lần và đóng vai trò quan trọng. Những thanh âm từ dàn dây và bộ gõ của các loại nhạc cụ dân tộc được sử dụng để làm tiếng động rùng rợn. Những bài vè, câu đối nhuốm màu quỷ dị, gây ám ảnh cho người xem.

Nhiều thách thức….

Cửa sáng cho phim kinh dị 'học' dân gian ảnh 1

Cảnh làm phim “Ma Da”.

Làm phim kinh dị ở Việt Nam khó nhất là gì? Phần lớn các nhà làm phim đều bày tỏ e ngại trước khâu kiểm duyệt. Với nhiều cảnh máu me, rùng rợn, “Kẻ ăn hồn”, phải hoãn lịch chiếu gần một tuần, qua ba lần kiểm duyệt trước khi ra rạp. Phim tâm linh - giết người hàng loạt “Thiên linh cái” cũng phải mất 5 tháng hủy lịch chiếu do nội dung tâm linh bùa ngải nhạy cảm và nhiều hình ảnh ghê rợn. Đoàn phim phải chỉnh sửa bản dựng, quay thêm một số cảnh và đổi tên mới “Thất Sơn Tâm Linh” mới được ra rạp.

Không ít đạo diễn “khóc ròng” khi làm phim 10 phần mà qua kiểm duyệt chỉ còn lại 7 phần. Đôi khi vì thế mà phim thiếu mạch lạc. “Nếu làm không tới thì có lỗi với nguyên tác, mà làm tới thì sợ vướng kiểm duyệt. Vì vậy tôi thường chọn cách cân bằng hình ảnh, đánh mạnh vào cảm xúc của người xem. Có những khung hình máu me hay bạo lực không nhất thiết phải cần hình ảnh đặc tả, mà chỉ cần tiếng động, âm thanh hoặc mập mờ dụng ý, kích thích sự tưởng tượng để tăng cảm giác”, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ.

Một thách thức nữa là sự sáng tạo. Khán giả Việt Nam được tiếp xúc với phim kinh dị của châu Âu, Nhật, Thái, Hàn nên quen thuộc với hình ảnh kinh dị của nước ngoài. Nhắc đến ma nữ tóc dài, bò từ giếng lên là nhớ tới ma Nhật, hay hồn ma bay lượn mặc áo đỏ là ma Hàn… Những hình tượng đó quá mạnh khiến phim kinh dị Việt khó tạo được nét riêng trong lòng khán giả.

Là người theo đuổi dòng phim kinh dị khai thác yếu tố dân gian, tạo ra những câu chuyện đậm đà bản sắc văn hoá và thuần Việt, Trần Hữu Tấn cho biết, anh luôn phải mời các cố vấn sử học, các chuyên gia văn hóa để đảm bảo “trước khi hay thì phải đúng đã”. Theo anh, chủ đề văn hoá rất nhạy cảm, đặc biệt với phim kinh dị vì vậy êkip đều tính toán kỹ trước các quyết định, để những gì đưa lên màn ảnh không phản văn hoá và được khán giả Việt yêu thích, đón nhận nhiều nhất.

… Nhưng cũng đầy hứa hẹn

Cửa sáng cho phim kinh dị 'học' dân gian ảnh 2

Phim kinh dị “Ma Da” sắp công chiếu lấy cảm hứng từ câu chuyện tâm linh về “ma da kéo giò”.

Doanh thu của “Quỷ cẩu”, “Kẻ ăn hồn”, “Chuyện ma gần nhà”… cho thấy những phim này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thị trường. “Chuyện ma gần nhà”, tác phẩm đầu tiên trong các phim kinh dị Việt Nam được lấy cảm hứng từ những truyền thuyết đô thị và các câu chuyện ma được đồn thổi trong dân gian đã thu về 15 tỷ đồng sau một ngày chiếu, trở thành bộ phim có doanh thu ngày đầu cao nhất năm 2022.

Sau 37 ngày ra rạp vào cuối tháng 12/2023, “Quỷ cẩu”- bộ phim lên án giết mổ chó của đạo diễn Lưu Thành Luân- đã đạt doanh thu 100,7 tỷ đồng, trở thành tác phẩm kinh dị trong nước ăn khách nhất mọi thời đại. Tác phẩm trở thành phim Việt đầu tiên đứng đầu phòng vé trong nước suốt năm tuần, phá kỷ lục trước đó của “Nhà Bà Nữ”. Đã có thời điểm, trên bảng xếp hạng Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), “Quỷ cẩu” vươn lên từ vị trí thứ ba, hạ gục bom tấn Hollywood “Aquaman 2” để chiếm ngôi đầu bảng về doanh thu.

“Tết ở làng địa ngục”, liên tiếp giữ vị trí số 1 trên Netflix trong nhiều tuần kể từ khi được công chiếu, vượt qua hàng loạt drama Hàn Quốc. Tiếp nối thành công đó là “Kẻ ăn hồn”, thu về gần 67 tỉ đồng sau 4 tuần khuấy đảo phòng vé. Đoàn phim cũng phấn khởi khoe phim sẽ được công chiếu trên 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Đài Loan và 11 quốc gia thuộc Đông Nam Á.

Cửa sáng cho phim kinh dị 'học' dân gian ảnh 3

Hình ảnh trong “Kẻ ăn hồn” gợi liên tưởng đến “Đám cưới chuột” trong tranh Đông Hồ.

Nếu như “Quỷ cẩu” phá vỡ quan niệm “phim kinh dị không thể kiếm trăm tỷ”, thì “Tết ở làng địa ngục” khiến người ta phải thay đổi định kiến “phim kinh dị chỉ để giải trí”. Tại lễ trao giải Ngôi sao của năm 2023, “Tết ở làng địa ngục” chiến thắng giải “Hiện tượng Phim ảnh”, được ghi nhận bởi chất lượng tốt, quy mô sản xuất chỉn chu và hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Bộ phim cũng được vinh danh tại Lễ trao giải WeChoice Awards 2023 ở hạng mục “Phim truyền hình của năm”, trong sự tán dương của giới chuyên môn lẫn khán giả.

Văn hóa dân tộc lâu đời và đa dạng cùng kho tàng truyện kể dân gian phong phú là nguồn tài nguyên vô tận để các nhà làm phim Việt thỏa sức “múa kiếm”. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, người Việt luôn tôn trọng những yếu tố tâm linh. Những câu chuyện huyền bí từ làng quê đã khơi gợi các ký ức quen thuộc cũng như kích thích sự tò mò của nhiều thế hệ người xem. Khán giả cũng có cơ hội khám phá và biết thêm về nhiều phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa của nhiều địa phương trên cả nước. “Chúng tôi hy vọng có thể góp tiếng nói để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về đời sống, phong tục, con người Việt Nam đến khán giả trong và ngoài nước”, đạo diễn Trần Hữu Tấn thổ lộ.

MỚI - NÓNG