> Không để lọt tội phạm
> Bắt đầu nóng
Tại Hội nghị triển khai thực hiện NQ37 mới được tổ chức ngày 23-1-2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nghiêm khắc đánh giá: Công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm, việc thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp, công tác thực hành quyền công tố còn bỏ lọt tội phạm hoặc vẫn để xảy ra một số trường hợp oan sai; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là lần đầu Quốc hội ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác này”.
Vậy nội dung cơ bản của NQ37 gồm những gì?
Về hoạt động điều tra, NQ37 yêu cầu “phải cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác bắt, tạm giữ, tạm giam; Bảo đảm chất lượng thu thập chứng cứ và lập hồ sơ các vụ án hình sự; Tạo điều kiện để luật sư tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật”.
Về hoạt động truy tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, NQ37 yêu cầu “phát hiện kịp thời và yêu cầu xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; Kiểm sát viên phải chủ động, tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự”.
Về hoạt động xét xử, NQ37 yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa; Không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội; Việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định của pháp luật; Chấm dứt tình trạng chậm gửi bản án, quyết định của Tòa án cho đương sự và các cơ quan hữu quan”...
Qua các trích yếu trên, dễ thấy NQ37 đặt ra các yêu cầu không mới so với các quy định đã có trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Nói cách khác, NQ37 không đề ra những mục tiêu mang tính cải cách, chỉ chấn chỉnh những sai phạm, yếu kém trong hoạt động tư pháp.
Có thể nhận định, sau nhiều năm Đảng và Nhà nước ta thực hiện cải cách tư pháp, kết quả của những đổi mới chưa thực sự vững chắc, trong khi những sai phạm kiểu “cứ lối mòn ta đi” lại tái xuất hiện.
Việc UBTV Quốc hội triển khai thực hiện NQ37 ngay từ đầu năm 2013 này được nhiều cử tri quan tâm và đánh giá cao. Đông đảo cử tri mong muốn, với chức năng giám sát hoạt động của Chính phủ và Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, UBTV Quốc hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thực hiện NQ37 trong cả năm 2013, với những kết quả cụ thể và thiết thực, mới có thể chấn chỉnh được hoạt động tư pháp, và hướng tới cải cách tư pháp.