Liên kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển
Chia sẻ về sự ra đời của phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam từ 30 năm trước, ông Hà Quang Dự - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nguyên Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết, từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, các câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ ra đời ở một số tỉnh, thành phố.
“Lúc đó chúng tôi tránh dùng từ doanh nhân trẻ vì ngại những hiểu nhầm về xây dựng một thành phần mới gì đó. Vào thời kỳ ấy doanh nhân trẻ còn ít và quy mô nhỏ, nhưng T.Ư Đoàn và Hội LHTN Việt Nam nhận thấy đó là những điểm sáng có thể phát triển ngày càng lớn theo đường lối đổi mới của Đảng”, ông Dự nói.
Theo ông Dự, đến đầu những năm 90, việc triển khai đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã được xã hội đón nhận. Việc định hướng để thanh niên và các doanh nghiệp trẻ phát triển theo đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước là rất cần thiết; đẩy nhanh phong trào thanh niên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước lúc đó.
Giải thưởng Sao Đỏ góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của giới doanh nhân đối với xã hội (Trong ảnh, lễ trao giải thưởng Sao Đỏ năm 2022 cho các doanh nhân trẻ xuất sắc) Ảnh: Xuân Tùng |
“Từ ý tưởng thành lập CLB Doanh nghiệp trẻ, rồi tiến tới thành lập Hội Doanh nhân trẻ đã được T.Ư Đoàn và thường trực T.Ư Hội rất ủng hộ. Các kỹ sư, nhà khoa học liên tục đi thăm các cơ sở sản xuất, kinh doanh do người trẻ đứng đầu để giúp đỡ về kỹ thuật, khích lệ và vận động anh em liên kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển”, ông Dự nói và cho rằng, việc ra đời Hội Doanh nhân trẻ là một cú hích có tác dụng nêu gương, cổ vũ và lan tỏa để đổi mới tư duy của thanh niên và thúc đẩy thanh niên tích cực hành động, tìm cho mình phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, thiết thực…
Nuôi dưỡng khát vọng làm giàu
Ở tuổi 20, anh Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Tiến Nông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đã cùng gia đình khởi sự kinh doanh, rồi tham gia CLB Doanh nghiệp trẻ TP Thanh Hóa. Điều này đã tạo cơ hội cho anh Phong được gặp gỡ, học hỏi từ những người “anh cả” của phong trào doanh nhân trẻ như: Trương Gia Bình, Phạm Tấn Công, Phương Hữu Việt, Võ Quốc Thắng.
“Tôi mong muốn, kế thừa truyền thống 30 năm qua, đội ngũ doanh nhân trẻ nói riêng và tổ chức Hội Doanh nhân trẻ nói chung tiếp tục nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo và tranh thủ được thời cơ, kinh nghiệm đã đúc rút để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động...; Từ đó khơi dậy được trong lớp lớp đội ngũ doanh nhân một khát vọng chung, hòa cùng khát vọng của dân tộc, đưa Việt Nam phát triển, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc”.
Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam
Năm 2001, anh Phong nhận giải thưởng Sao Đỏ. “Đó là cột mốc quan trọng đưa tôi vượt qua những ước mơ nhỏ nhoi và thực dụng ban đầu khi bước chân vào con đường kinh doanh. Nó giúp tôi đến với những khát vọng lớn lao hơn của một doanh nhân với sứ mệnh là lao động tạo ra của cải vật chất và thực hiện bổn phận sẻ chia những giá trị đó cho cộng đồng”, anh Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Tuấn Hải - Ủy viên Hội đồng các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Alphanam, đại diện của thế hệ Sao Đỏ “đời đầu” luôn tự hào rằng, Alphanam và cá nhân ông là một sản phẩm của phong trào Doanh nhân trẻ. Ông Hải khởi nghiệp vào những năm 1990, giai đoạn kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
“Nhờ giá trị tập hợp lực lượng của phong trào Doanh nhân trẻ, chúng tôi đã vượt lên chính mình để bằng bạn, bằng bè. Chúng tôi không sợ khó, sợ khổ, đã nuôi dưỡng khát vọng làm giàu rất lớn lao", ông Hải nói.
Thực hiện giấc mơ Việt Nam hùng cường
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam khóa I (sau này đổi thành Hội Doanh nhân trẻ - PV), Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, các doanh nhân trẻ đã, đang và càng ngày càng có được sự tôn trọng của cộng đồng. Quan trọng hơn, các bạn đã thể hiện tinh thần dấn thân hết mình, hy sinh cho cộng đồng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Điều này củng cố niềm tin, doanh nhân, doanh nghiệp trẻ luôn là niềm hy vọng của tương lai đất nước.
Hôm nay (27/11) tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam; Tọa đàm “Thay đổi và bất biến”.
Theo ông Bình, đất nước, doanh nhân Việt đã “đổi đời” sau 30 năm. Bây giờ, chúng ta đang nói về khát vọng quốc gia hùng cường, về dân tộc có vị thế trên thế giới. Đây là nhiệm vụ của doanh nhân trẻ hiện tại. “Tất nhiên, để làm việc lớn, chúng ta phải bắt đầu... từ ước mơ lớn. Không dám mơ lớn thì không thể làm lớn, không dám làm khác”, ông Bình nói.
“Khi chúng tôi nói đến xuất khẩu phần mềm vào 25 năm trước, không ai tin, ngay cả lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn FPT. Thế nhưng bằng nỗ lực dấn thân, không ít thất bại, chúng tôi cứ đi, từng bước, để rồi mở ra một tương lai của Việt Nam - quốc gia số hai trên thế giới về xuất khẩu phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”, ông Bình chia sẻ.
Ông Bình đánh giá, hiện tại quan hệ, vị thế của Việt Nam với thế giới đã rất khác so với nhiều năm trước. Việt Nam đang là một trong số các quốc gia cầu nối giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng.
Song, chúng ta có biến thị trường thế giới thành thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam hay không? Có sử dụng nhân lực trên thế giới là người của doanh nghiệp Việt Nam hay không? Có biến tiền bạc trên khắp thế giới thành nguồn vốn của chúng ta và người tiêu dùng trên toàn cầu là khách hàng của sản phẩm Việt Nam hay không?... Đây là các câu hỏi mà mỗi doanh nhân, trong đó có cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam phải đặt ra, phải tìm cách trả lời là có. Khi đó, doanh nghiệp, doanh nhân trẻ sẽ có những bước nhảy mang tính thời đại.