“Cú hạ cánh lịch sử” diễn ra hôm qua, 8/1, và được Igor Ponomarev, quan chức cấp cao của một nhà máy đóng tàu Nga tham gia triển lãm DefExpo – 2014 đang diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, cung cấp.
Trước và sau khi chuyển giao về Ấn Độ, các phi công Nga từng thử hạ cánh, cất cánh trên tàu sân bay này, song chưa có phi công Ấn Độ nào đủ khả năng làm điều tương tự.
Ngay khi cập cảng Karwar hôm ngày 7/1, các phi công Ấn Độ đã bắt đầu làm quen với việc điều khiển các chiến đấu cơ MiG 29 cho những bài hạ cánh và cất cánh trên tàu sân bay trên các thiết bị mô phỏng.
Ngoài ra, các phi công Ấn Độ cũng được đào tạo việc cất, hạ cánh trên tàu sân bay tại một cơ sở ven biển tại Goa, bang ở bờ tây của Ấn Độ. Đây cũng là nơi phi đội MiG-29 của lực lượng không quân hải quân tàu sân bay Vikramaditya sẽ đóng quân.
Tàu sân bay Vikramaditya, vốn là tàu Đô đốc Gorshkov của Liên Xô, được thực hiện bởi hiệp ước sơ bộ giữa Liên Xô trước đây (Nga hiện nay) và Ấn Độ về việc tân trang tàu được ký năm 1988.
Tuy nhiên, hai bên chỉ đạt được thỏa thuận cuối cùng 6 năm sau đó, với hợp đồng trị giá 771 triệu USD và việc giao nhận dự kiến diễn ra năm 2008. Cuối cùng, chi phí tân trang con tàu dài 284 m bị đội lên thành 2,3 tỷ USD. Hạn chót cũng liên tục được gia hạn, gây căng thẳng giữa hai nước.
Sau hơn 1 tháng chuyển giao và thực hiện hải trình, tàu sân bay Vikramaditya đã về tới căn cứ hải quân Karwar, thuộc bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ vào ngày 7/1/2014.
Sau khi về tới Ấn Độ, tàu Vikramaditya cần thêm từ 3-4 tháng để hoàn thiện trước khi chính thức trực chiến. Bên cạnh đó, nhóm chuyên viên Nga phụ trách bảo hành sẽ có mặt ở căn cứ Karwar trong vòng một năm để hỗ trợ hải quân Ấn Độ trong quá trình vận hành tàu.
Vikramaditya có trọng tải tối đa 45.000 tấn, dài 283,3m, rộng 59,8m, có thể chở 30 máy bay MiG -29K cũng như trực thăng săn ngầm Ka-27, trực thăng định vị vô tuyến Ka-31. Thủy thủ đoàn của tàu là 2.000 người.