CPI tháng 11 sẽ không tăng?

CPI tháng 11 sẽ không tăng?
Theo nhận định ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ Công Thương, sự tăng giá bất thường trong mấy ngày ngập lụt vừa qua tại Hà Nội sẽ không tác động đến CPI của tháng 11.

Tại hội nghị cuối tháng 10, khi bàn về tình hình chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và xu hướng cả năm, Tổ điều hành đã nhận định, những nhóm hàng vật tư chiến lược, nhóm hàng tiêu dùng đều trong xu hướng giảm giá do tác động của thị trường thế giới và do độ tiêu hóa của việc chúng ta thực hiện tốt giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Căn cứ vào tình hình thực tế đang diễn ra, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, CPI của năm 2008 không thể vượt quá 24% và năm 2009 sẽ chỉ ở mức từ 10 - 12%.

Diễn biến bất thường trong một tuần vừa qua, do tác động mưa lũ ở các tỉnh phía bắc đã làm cho giá cả các mặt hàng rau - hoa quả thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tối thiểu của người dân biến động mạnh; nhưng đó chỉ là cục bộ về mặt không gian và thời gian tại một số địa phương.

Sự đột biến này tuy có ảnh hưởng tới xu hướng giảm CPI ở cục bộ một số vùng, nhưng sẽ không ảnh hưởng tới CPI chung của cả nước. Do đó, tháng 11.2008 CPI sẽ không tăng so với tháng 10.

Trong tầm nhìn từ nay cho đến Tết Nguyên đán và cả quý I và quý II của năm 2009, CPI vẫn giữ tốc độ tăng, nhưng mức độ tăng sẽ là rất thấp.

Cũng theo ông Hoàng Thọ Xuân, đến lúc này các cơ quan quản lý nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp sản xuất phải đưa ra các giải pháp hữu hiệu để kích thích sức mua của thị trường.

Và điểm mấu chốt mà các nhà chiến lược thị trường đang hướng tới là phải kích thích tăng sức mua hàng hoá của người tiêu dùng trong những ngày Tết Nguyên đán sắp tới. Đó sẽ là vấn đề trọng tâm của nền kinh tế trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Hoàng Thọ Xuân, tác động khủng hoảng tài chính thế giới là vấn đề chung và phải kiềm chế. Nhưng nếu sản xuất ra mà không tiêu thụ được hàng hoá thì đó là vấn đề rất đáng quan ngại. Do đó, không nên thấy CPI giảm mà coi đó là điều đáng mừng; bởi xã hội giảm tiêu dùng, thì đấy là dấu hiệu nguy hiểm của nền kinh tế.

Đủ nguồn hàng hoá cho thị trường

Thiệt hại về cây vụ đông, rau quả và thực phẩm ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc do bị mưa lũ là thực tế. Để đối phó với tình huống này, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp Hà Nội để đưa ra các giải pháp khắc phục.

Được biết, phải tối thiểu 20 ngày nữa, Hà Nội và các địa phương bị thiên tai mới có thể tự túc được nguồn rau xanh. Để có nguồn thực phẩm, rau quả... Bộ Công Thương đã điều động nguồn cung từ các vùng khác, kể cả các giải pháp cho nhập khẩu những mặt hàng này để phục vụ nhu cầu người dân.

Cũng theo ông Hoàng Thọ Xuân, Bộ Công Thương đã có công điện yêu cầu các địa phương chỉ đạo: "Nếu Hà Nội có nhu cầu, các tỉnh phải chi viện". Bộ cũng đã lựa chọn các doanh nghiệp thương mại làm nhiệm vụ cung ứng hàng, có các phương án với Bộ Giao thông Vận tải để cung ứng hàng từ miền Trung đưa ra cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng.

Để có đủ nguồn hàng thực phẩm, rau quả cho dịp Tết Nguyên đán, ngay trong tuần này Bộ Công Thương đã có chương trình làm việc với UBND TP.Hà Nội.

Được biết, Hà Nội đã được chỉ đạo dành 160 tỉ đồng, TPHCM là 500 tỉ đồng cho việc chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho dịp Tết Nguyên đán, trong đó chủ yếu là việc tạo nguồn cung cấp rau xanh, củ quả, thịt, mì, gạo...

Chương trình làm việc sẽ tập trung vào việc các địa phương đã thực hiện thế nào chủ trương chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, cần hỗ trợ gì để đảm bảo kế hoạch hàng tết...

Cũng trong thời gian này, ngoài việc hỗ trợ Hà Nội và các địa phương tạo nguồn cung cấp rau quả, thực phẩm... Bộ Công Thương đang rà soát lại quan hệ cung - cầu để cân đối lại nguồn hàng từ các tập đoàn, TCty lớn, hiệp hội... nhằm đáp ứng đủ nguồn hàng để kích thích thị trường trong những tháng sắp tới.

Theo ông Hoàng Thọ Xuân, bên cạnh việc rà soát lại để cân đối tổng cung - tổng cầu, Bộ Công Thương sẽ cùng UBND các tỉnh tập trung đôn đốc kế hoạch sản xuất ở các DN - để đảm bảo nguồn cung hàng hoá trong dịp lễ, tết cuối năm và Tết Nguyên đán.

Từ đó, có kế hoạch chủ động để có thể điều tiết, chi viện từ những nơi khác đến, nhằm duy trì và điều tiết được giá cả thị trường ở mức độ hợp lý tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Theo Công Thắng -Lưu Thủy
Lao động

MỚI - NÓNG