CPI giảm, nhà đầu tư vẫn muốn tăng phí BOT

Một trạm thu phí BOT. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Một trạm thu phí BOT. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Đề xuất dừng tăng phí của Bộ GTVT được người dân hồ hởi trông chờ, thế nhưng sự việc không đơn giản như vậy.

Lý do được Bộ GTVT đưa ra để dừng tăng phí đường bộ tại các dự án BOT là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay được kiểm soát chặt chẽ, tăng thấp so với các năm trước đây. Vấn đề mấu chốt ở đây cần làm rõ: Chỉ số CPI có mối tương quan thế nào với phương án thu phí và được quy định như thế nào trong hợp đồng của dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh (thu phí) - Chuyển giao)?

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, đầu mối thực hiện các dự án BOT của Bộ GTVT cho hay: Chỉ số CPI đóng vai trò là một thông số để tính chi phí đầu tư của dự án BOT. Chỉ số CPI được đưa vào để tính toán trong hợp đồng BOT bằng mức trung bình CPI của 3 năm trước khi ký hợp đồng. Hiện nay, chỉ số CPI được đưa vào các hợp đồng phổ biến ở mức 6%. “Với chỉ số CPI 6% đó, hợp đồng đưa ra mức tăng phí dự kiến cho các dự án theo lộ trình 3 năm một lần, ở mức 18%/lần (mỗi năm 6%, nhân cho 3 năm - PV )” - ông Huy nói.

Ông Huy cho biết, chỉ số CPI 6% này chỉ là số liệu giả định để đưa ra dự toán thu phí; khi CPI biến động sẽ được cập nhật vào phương án tính phí. Ông Huy đưa ra một số hợp đồng chứa các điều khoản thể hiện điều này.

“Đề nghị của Bộ GTVT nếu thực hiện được ngay sẽ rất có lợi cho người tham gia giao thông. Cá nhân tôi và nhiều người chưa có đủ dữ liệu để khẳng định, nên dừng tăng phí hay không, dừng bao nhiêu lâu... . Tuy nhiên, đây là vấn đề cần thiết, các cơ quan chức năng cần ngồi lại để bàn bạc cụ thể, đưa ra phương án đảm bảo quyền lợi của người dân và chủ đầu tư”.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Tài chính (Bộ GTVT) cho hay: Chỉ số CPI được đưa vào các khoản mục để tính chi phí dự án và quy định rõ: CPI phải được cập nhật vào các khoản chi phí này hàng năm. “Khi CPI giảm có nghĩa là chi phí đầu vào giảm. Nếu phương án thu phí vẫn giữ nguyên, lợi nhuận của nhà đầu tư lớn hơn phương án tài chính đưa ra và thiệt cho người dân. Trong trường hợp này, để hài hòa lợi ích giữa các bên, phương án thu phí phải thực hiện điều chỉnh theo một trong hai phương án: Giảm thời gian thu phí hoặc giảm/dừng mức phí. Vì vậy, đề nghị dừng tăng phí của Bộ GTVT vì chỉ số CPI thấp (năm 2015 ở mức 0,63%, thấp gần bằng 1/10 thông số đưa vào hợp đồng - PV) đều xuất phát từ các điều khoản có sẵn trong hợp đồng” – ông Quốc nói.

Theo hai phương án ông Quốc đưa ra, việc Bộ GTVT đưa ra đề xuất dừng tăng phí (mà không rút ngắn thời gian thu phí) rõ ràng có tác động ngay đến người dân. Đó là lý do vì sao đề xuất này được dư luận quan tâm trong những ngày qua.

Tuy nhiên, xung quanh đề nghị của Bộ GTVT, như Tiền Phong đã đưa, đại diện Bộ Tài chính đưa ra một số lý do chưa đồng tình. Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng: Bộ GTVT cần thương thảo với các nhà đầu tư để ký lại hợp đồng BOT trước khi đề nghị thay đổi thông tư quy định mức thu phí.

Trong khi đó, tại công văn gửi Bộ Tài chính hôm 25/12, Bộ trưởng GTVT nêu: “Đề nghị các nhà đầu tư căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT để đề nghị Bộ Tài chính xem xét quyết định điều chỉnh Thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp”. Đại diện các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT cho rằng: Quyền quyết định cuối cùng về mức thu phí thuộc về Bộ Tài chính; vì thế, Bộ GTVT muốn Bộ Tài chính cần đồng ý trước về chủ trương, Bộ GTVT sẽ chủ động thực hiện ngay các bước tiếp theo.

MỚI - NÓNG