Trạm thu phí Bến Thủy vẫn tăng giá vé
Dù Bộ Giao thông Vận tải đã lên tiếng về việc lùi thời hạn tăng phí, UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị giảm giá vé cho dân nhưng Trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An) vẫn tăng giá vé, bắt đầu từ ngày 1/1/2016.
Với đợt tăng “kịch trần” lần này, giá vé đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 30 ngàn đồng/lượt lên 45 ngàn đồng/lượt. Xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn, phí tăng từ 40 ngàn đồng/lượt lên 60 ngàn đồng/lượt. Xe 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng 4 đến dưới 10 tấn tăng từ 50 ngàn đồng/lượt lên 75 ngàn đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20fit, phí tăng từ 80 ngàn đồng/lượt hiện nay lên 120 ngàn đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit phí tăng từ 160 ngàn đồng/lượt hiện nay lên 180 ngàn đồng/lượt.
Như Tiền Phong đã đưa tin trước đó, để tạo điều kiện cho nhân dân sống hai bên cầu Bến Thủy, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng Công ty Cienco 4 về việc giảm giá vé qua trạm thu phí Bến Thủy; Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong dự án BOT tạm thời lùi thời gian tăng phí đến ngày 1/6/2016.
Ông Võ Sỹ Nghệ - Giám đốc Chi nhánh BOT Vinh nói việc tăng giá vé lần này căn cứ theo Thông tư 51/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ Trạm Thu phí cầu Bến Thủy và Trạm thu phí cầu Bến Thủy II.
Trạm thu phí Bến Thủy tăng giá vé ngay trong sáng ngày đầu năm 2016. Ảnh: Vân Bình.
Lo cho doanh nghiệp thu phí?
Chiều 3/1, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Đề xuất lùi thời gian tăng phí một số trạm của Bộ GTVT đã không tính toán đến nhiều trạm thu phí BOT bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2016. Việc tăng phí các trạm căn cứ hợp đồng BOT mà Bộ GTVT đã ký và chỉ tăng lên bằng mức với các trạm bắt đầu đi vào hoạt động mới. Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, không đưa ra bình luận gì liên quan đến phản ứng của Bộ Tài chính và việc tăng phí của các chủ đầu tư. “Bộ trưởng GTVT đã có ý kiến rõ ràng trong văn bản gửi Bộ Tài chính và với vấn đề này, quyền quyết định thuộc về Bộ Tài chính”, vị này cho biết.
Trước đó không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã gửi công văn đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng Công ty XDCT 4, xem xét lùi thời gian tăng mức thu phí qua cầu Bến Thủy. Tuy nhiên, được Bộ Tài chính cho phép, trạm thu phí này vẫn tăng giá.
Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính đã có công văn hồi đáp đề xuất lùi thời hạn tăng phí các trạm BOT của Bộ GTVT. Trong văn bản này, Bộ Tài chính nêu rõ: Trong 23 trạm BOT hiện hoạt động (có lộ trình điều chỉnh từ ngày 1/1/2016) được đề nghị lùi thời gian tăng phí, có 10 trạm có mức thu tăng 30 lên 35 ngàn đồng/lượt/xe (xe nhóm 1), 5 trạm có mức tăng 30-45 ngàn đồng/lượt/xe, 5 trạm có mức tăng 20-35 ngàn đồng/lượt/xe, 1 trạm tăng 15-35 ngàn đồng/lượt/xe, 1 trạm tăng 18-20 ngàn đồng/lượt/xe.
“Tuy nhiên, Bộ GTVT không đề cập đến 10 trạm thu phí hoàn vốn các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016 khi các dự án này đã được ban hành thông tư với mức thu phí 35 ngàn đồng/lượt/xe (có hiệu lực từ 1/1/2016 trở đi). Như vậy là không đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong việc điều chỉnh thời gian thu phí của các dự án BOT”, công văn phúc đáp do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ký, nêu rõ.
Quyết cho tăng phí
Cũng trong công văn này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án, như: Mức phí, thời gian thu, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân... Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính phù hợp của chính sách. “Tránh việc chưa thực hiện đã đề xuất lùi thời hạn thực hiện”, công văn Bộ Tài chính nêu rõ. Bộ này cũng cho rằng, Bộ GTVT cần đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân ngay từ việc đánh giá ký kết hợp đồng đến quá trình thực hiện và triển khai thu phí theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng đã ký kết...
Trước đó, đề xuất dừng tăng phí đường bộ từ 1/1/2016 được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị trong công văn gửi Bộ Tài Chính hôm 25/12/2015. Cụ thể, trong công văn này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng: Trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ GTVT và các nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng trưởng chỉ số giá (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ Tài chính để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn (trong đó có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016).
“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay do sự điều hành chặt chẽ, sát sao, hiệu quả của Chính phủ nên chỉ số CPI thấp hơn nhiều so với mức dự kiến. Do vậy, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phù hợp với mức giảm chỉ số CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, Bộ GTVT đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1/6/2016” –Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị trong công văn.
Đồng thời, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị các nhà đầu tư căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT để đề nghị Bộ Tài chính xem xét quyết định điều chỉnh thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp.