Trong tháng 12, có 2/11 nhóm hàng giảm giá và 9 nhóm còn lại tăng giá nhẹ so với tháng 11. Cụ thể, nhóm giảm giá gồm nhà ở, vật liệu xây dựng (giảm 0,99%) và nhóm giao thông (giảm 3,09%) - khi giá gas và xăng dầu giảm giá liên tiếp (chưa tính lần xăng dầu giảm hơn 2.000 đồng/lít vào ngày 22/12 vừa qua). Trong khi đó, các nhóm hàng tăng giá như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống, thuốc lá, đồ dùng gia đình, thuốc dịch vụ y tế… được ghi nhận tăng rất nhẹ, từ 0,01 đến 0,8%.
Còn so với chỉ số giá tháng 12/2013, trong 11 nhóm hàng hóa có 2 nhóm giảm giá (nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 1,95% và nhóm giao thông giảm 5,57%); và 9 nhóm còn lại tăng giá.
Đây là năm thứ 2 trong 10 năm qua CPI tháng 12 giảm so với tháng trước, lần trước đó giảm là vào năm 2008.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: Thông thường những tháng cuối năm CPI luôn tăng, do người dân mua sắm cho Tết và các doanh nghiệp phải tăng đầu tư, mua bán để hoàn thành kế hoạch năm. Tuy nhiên, năm nay CPI 2 tháng cuối năm lại giảm. Nguyên nhân, theo ông Long, chủ yếu do giá thế giới giảm liên tục, đặc biệt là giá xăng dầu; chính sách thắt chặt tiền tệ; tổng cầu giảm và sức mua yếu.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Thống kê cho biết, lạm phát (hay CPI) thấp là giúp giá trị Việt Nam đồng ổn định, đời sống của người dân không bị suy giảm.