Công thức 3C trong bảo vệ chủ quyền

Công thức 3C trong bảo vệ chủ quyền
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Ông Việt Long, chuyên gia nghiên cứu biển Đông cho rằng, nếu chúng ta triển khai tốt công thức 3 C (công khai, công luận, công pháp) thì không chỉ giúp Việt Nam mà tất cả các nước đều được hỗ trợ trên con đường đấu tranh cho công lý.

Cụ thể công thức “3 C” là gì thưa ông?

Không chỉ Việt Nam, Philippines, Malaysia, mà ngay cả những nước không liên quan đến tranh chấp như Indonesia, Mỹ, học giả của các nước khác cũng đều đã lên tiếng phản đối “đường lưỡi bò”. Việc áp đặt “đường lưỡi bò” này để đòi quyền tài phán trên cả vùng biển rộng lớn, chiếm 80% diện tích biển Đông là hành động vô lý, không thể chấp nhận.

Đó là công khai, công luận và công pháp. Thứ nhất là chúng ta phải công khai hết những lập trường của các bên, phân tích rõ để người dân hiểu, công khai những sự kiện xảy ra nghiêm trọng trên biển Đông như đã làm trong vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp. Đáp lại những phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì việc công khai là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Thứ hai là Công luận, không phải chỉ là nói cho dư luận trong nước mà là cả cho người dân của các nước đang yêu sách trên biển Đông, cho dư luận quốc tế. Làm sao để mọi người cùng hiểu tính chất vô lý trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, thấy rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, tranh thủ được sự ủng hộ của công luận quốc tế.

Thứ ba là Công pháp, ở đây chính là luật pháp quốc tế. Giải quyết tranh chấp trên biển Đông phải căn cứ vào Luật quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Việt Nam cũng là một trong những tác giả của DOC đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký tháng 10-2002. Nếu chúng ta làm tốt thì vũ khí 3 C sẽ hết sức lợi hại, trợ giúp không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên con đường đấu tranh cho công lý.

Vậy theo ông trong công thức “3 C” thì yêu cầu công khai đã được chúng ta thực hiện như thế nào?

Chúng ta đã 3 lần đưa ra Sách trắng về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những năm gần đây, chúng ta đã tổ chức hai hội thảo quốc tế về biển Đông rất thành công với sự tham gia của nhiều học giả quốc tế. Họ đã đến Việt Nam để phê phán lập luận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, để ủng hộ lập trường chính nghĩa của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm để đưa những thông tin, kiến thức về chủ quyền, Luật Biển... đến với công chúng, làm sáng tỏ hơn lập trường của chúng ta trên trường quốc tế.

Đàm phán hòa bình là mong muốn của tất cả các nước, nhưng một số học giả cũng cho rằng, giữa lời nói và hành động cụ thể của Trung Quốc lại có khoảng cách, thưa ông?

Trong Đối thoại Shangri-La 2011 vừa qua, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phát biểu thì Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã nói, Việt Nam mong muốn Trung Quốc thể hiện đúng như những gì mà Trung Quốc đã nói, cam kết. Trung Quốc nói là họ yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng cùng các bên đàm phán. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc lại tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, cản trở tàu thuyền Philippines, Việt Nam, tuyên bố đóng giàn khoan 3.000 m, đóng tàu sân bay hoạt động trên biển Đông. Đây là điều gây quan ngại và buộc các nước trong khu vực bên cạnh giải pháp hòa bình thì phải đẩy mạnh tăng cường tiềm lực quốc phòng theo hướng tự vệ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.