Công quyền thời 4.0

Công quyền thời 4.0
TP - Hôm qua, 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Ngoài hai hình thức tố cáo theo lối truyền thống bằng đơn và trực tiếp, dự Luật bổ sung thêm hình thức tố cáo mới bằng email, fax và điện thoại.

Một số ý kiến lo ngại rằng, nếu chấp nhận hình thức tố cáo mới nêu trên, sẽ gây khó cho các cơ quan có thẩm quyền. Tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói : “Sau khi tiếp nhận đơn thư tố cáo thì phải xác minh, nhưng điện thoại đâu có chữ ký. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết bằng hình thức này sẽ khó cho các cơ quan có thẩm quyền. Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về điện thoại”.

Tuy nhiên, đáp lại những ý kiến lo ngại trên, nhiều ĐBQH đều cho rằng, cần chấp nhận hình thức tố cáo mới này để đảm bảo trách nhiệm với dân, phục vụ người dân được tốt hơn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Ta đang ở thời đại công nghệ 4.0, không lẽ trong luật Quốc hội ban hành lại đặt tố cáo qua điện thoại, email, fax ra bên ngoài?”. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng cho rằng :  Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử để phục vụ người dân tốt hơn. “Trong bối cảnh đó, nếu không sử dụng công nghệ để phục vụ cho hoạt động của chính quyền, nhà nước, người dân thì là việc không bình thường”, ông Chính nói.

Đúng vậy, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, của internet kết nối vạn vật (IoT), của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đã và đang tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội trên quy mô toàn cầu. Hiện đa số người dân Việt Nam đều sử dụng điện thoại di động và internet để phục vụ công việc và cuộc sống, không lý gì điện thoại, tin nhắn hay email lại không được các cơ quan công quyền chấp nhận bên cạnh những hình thức giao dịch truyền thống xưa nay (đơn thư và gặp trực tiếp). Chỉ “bằng một cái bấm nút trên điện thoại”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, như bà nói, đã làm xong việc chuyển tin nhắn tố cáo của công dân tới vị Chủ tịch tỉnh đồng thời chuyển luôn cho Ban Dân nguyện của Quốc hội để theo dõi. Với hàng chục triệu công dân cũng vậy, chỉ bằng một click chuột hay một nút nhấn trên điện thoại, không lẽ họ không thể gửi thông tin tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền ?

Vấn đề còn lại thuộc về các cơ quan nhà nước, làm sao có đầy đủ cơ chế cùng hệ thống thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, tin cậy để xác thực và kiểm chứng các thông tin tố cáo mà người dân cung cấp. Đó là một thách thức không nhỏ.

Ngẫm ra, cũng giống như việc bỏ sổ hộ khẩu và CMTND theo NQ 112 của Chính phủ mới ban hành, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hệ thống công quyền để phục vụ người dân là tất yếu và không thể đảo ngược trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Một khi các cơ quan nhà nước ứng dụng triệt để CNTT, chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi.

MỚI - NÓNG