Công nhân với nghề tay trái: Kiếm tiền từ công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Livestream (phát trực tiếp), làm clip ngắn ngay tại nhà máy, hoặc chia sẻ cuộc sống thường ngày cũng như tham gia giới thiệu sản phẩm do chính công nhân thực hiện đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người có được thu nhập đáng kể từ công việc này.
Công nhân với nghề tay trái: Kiếm tiền từ công nghệ ảnh 1
Công nhân livestream công việc ngay tại nhà máy thu hút nhiều người theo dõi.

Kiếm tiền từ công nghệ

Sau 8 tiếng làm công nhân ở nhà máy sản xuất thực phẩm (quận Bình Tân), chị Nguyễn Thị Hà Nhi (28 tuổi, quê Trà Vinh) bắt đầu “tăng ca” ở một shop thời trang gần nhà. Đứng trước chiếc điện thoại có gắn thêm đèn livestream (phát trực tiếp), chị Nhi mặc từng chiếc đầm rồi giới thiệu trước cả trăm người xem để chốt đơn. Công việc kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, chị Nhi được trả khoảng 400.000 đồng. “Từ ngày mạng xã hội phát triển, tôi có thêm nghề này. Mỗi tuần làm từ 2 - 3 buổi. Công việc đều đặn, có thu nhập khá nên tôi có thêm điều kiện để lo cho gia đình” - chị Nhi phấn khởi nói.

Anh Ngọc Bảnh (quê Hậu Giang) vừa làm công nhân ở Bình Dương, vừa là một Tiktoker khá nổi tiếng có cả trăm ngàn lượt theo dõi. Nhờ được nhiều người biết tiếng qua mạng xã hội, anh được doanh nghiệp mời quảng cáo sản phẩm. Nguồn thu từ “nghề tay trái” giúp anh ổn định cuộc sống hơn trước.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Cty May Dony cho biết tại Dony, đa phần công nhân đều có tài khoản mạng xã hội và thường xuyên chia sẻ tình hình cuộc sống, công việc của mình trên đó. “Trong những giờ giải lao, hoặc với đơn hàng khách hàng không yêu cầu bảo mật thông tin thì mọi người có thể quay phim, làm clip ngay tại xưởng đăng Tiktok, Youtube... Thỉnh thoảng lướt mạng xã hội, thấy hình ảnh công nhân mặc đồng phục Cty dễ thương lắm, tôi cũng vui thích, hào hứng” - ông Quang Anh vui vẻ cho biết.

Những lớp nghề “thời thượng”

Ngày thứ Bảy đầu tháng 11 vừa qua, tại Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân quận 12, hơn 50 học viên đa số là công nhân đủ mọi lứa tuổi, đang làm việc trên địa bàn quận 12 lại lỉnh kỉnh sách vở, bút viết… đi học. Mọi người đều tranh thủ đi thật sớm để cùng lớp trao đổi, chỉ dẫn nhau về buổi học lần trước. Ai có thêm kiến thức, kinh nghiệm hay đều chia sẻ để mọi người cùng tham khảo, học hỏi.

Đặc biệt, lớp học này như một phim trường thu nhỏ với máy ảnh, đèn chiếu, phông màn… Đây là nơi đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ số, giúp học viên biết cách livestream bán hàng trên mạng xã hội, chụp ảnh sản phẩm, khởi nghiệp kinh doanh online.

Chị Lê Thị Lý (công nhân Cty An Vĩnh Food) không chỉ ghi chép cẩn thận những kiến thức cần thiết vào tập vở mà còn mang cả sản phẩm theo để làm mẫu cho buổi học về Kỹ năng chụp ảnh sản phẩm. Theo chị Lý, nếu trước đây muốn chụp ảnh cứ đưa điện thoại bấm đại thì nay được học bài bản nên chị biết chọn góc độ, bắt ánh sáng, chụp cận hay toàn cảnh để sản phẩm có hồn nhất. “Trước khi khách hàng quyết định chọn mua sản phẩm, họ thường phải thưởng thức bằng mắt. Nếu hình ảnh sản phẩm sống động, tươi ngon mới có thể thuyết phục được khách hàng. Tôi tham gia lớp học này vừa muốn hỗ trợ Cty tăng doanh số bán hàng, vừa tích lũy kinh nghiệm cho bản thân nếu muốn gia nhập đội ngũ bán hàng thời công nghệ” - chị Lý bộc bạch.

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn lao động TPHCM cho biết, việc đào tạo thêm nghề tay trái cho công nhân lao động rất cần thiết để dự phòng trường hợp nếu không còn làm công nhân tại doanh nghiệp thì có nghề mới để sớm ổn định cuộc sống. Muốn làm được như vậy, bản thân mỗi công nhân phải nỗ lực, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp.

Chia sẻ về các buổi học, anh Thanh An (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, anh thích nhất là khi được học livestream bán hàng trên mạng xã hội. Anh An nói rằng, cứ tưởng nghề livestream chỉ cần có điện thoại và tự tin nói chuyện là xong nhưng thực tế đòi hỏi cao hơn nhiều. Mỗi sản phẩm người livestream cần phải biết cách đọc thông tin thành phần, nhà sản xuất; đủ an toàn thì mới dám phát trực tuyến và tung mã giảm giá để khách hàng yên tâm chốt đơn.

Sau 4 buổi được đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ số, chị Lê Thị Hà (37 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12) hào hứng khoe, chị đã học hỏi được nhiều kỹ năng, đặc biệt là việc tạo hình ảnh, quay, dựng video… thu hút người xem. Chị Hà cho biết, ngoài công việc chính là công nhân may, chị còn có thêm “nghề tay trái” là bán hàng online. Để hút khách, chị Hà cũng tập tành phát sóng trực tiếp nhưng gặp rất nhiều khó khăn, từ những thao tác trên điện thoại để chuẩn bị phiên live cho đến cách nói chuyện để giữ chân khách hàng. Từ khi theo lớp học này, chị còn cảm thấy bản thân mình đã thay đổi rất nhiều. Chị tự tin khi đứng trước cả trăm người để giới thiệu sản phẩm với phong thái chững chạc, đưa ra những gợi ý tốt nhất cho khách hàng. “Vui mừng và hạnh phúc là những cảm xúc của tôi lúc này” - chị Hà chia sẻ.

Theo nhiều công nhân tham gia lớp học, họ rất muốn học về các ứng dụng công nghệ này để có thể đáp ứng yêu cầu công việc, kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, chi phí cho những lớp học “thời thượng” này không hề nhỏ. Vì vậy, khi được đào tạo bài bản lại không tốn phí, đáp ứng xu hướng thời đại, hầu hết thanh niên, công nhân đều rất hào hứng.

Khóa đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ số được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TPHCM cùng Liên đoàn lao động quận 12 và Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn tổ chức từ tháng 9 - 12/2024. Tại đây, học viên được học về khởi nghiệp kinh doanh online, chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng, kinh nghiệm tăng giá trị đơn hàng trên sàn thương mại điện tử… Ths Nguyễn Hữu Phát, Giám đốc Phát triển chương trình tại Học viện DIgital Platform Việt Nam (hướng dẫn ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), tạo video bán hàng) cho biết: “Ngày nay việc ứng dụng công nghệ số không còn xa lạ nên việc sử dụng AI để tạo video bán hàng đang trở nên rất phổ biến. Mong rằng qua lớp tập huấn này các bạn học viên sẽ có thêm nhiều kỹ năng về dựng video phục vụ cho nhiều công việc hiện tại của bản thân, góp phần nâng cao năng lực và giá trị công việc”.

Ông Thổ Hoài Phong, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM cho biết, các lớp học hoàn toàn miễn phí. Mục đích nhằm giúp đoàn viên công đoàn, thanh niên công nhân, người lao động có thể làm thêm kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

MỚI - NÓNG