Công nhân Long An nói về tín dụng đen, mạng xã hội 'bẩn' khi tiếp xúc ĐBQH

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 12/5, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Long An tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)  tỉnh Long An với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Nhiều lao động các công ty nêu thẳng với ĐBQH các vấn đề đang rất nóng như tín dụng đen, mạng xã hội "bẩn"...
Công nhân Long An nói về tín dụng đen, mạng xã hội 'bẩn' khi tiếp xúc ĐBQH ảnh 1
Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Long An với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh tiếp nhận nhiều quan điểm, trăn trở của công nhân, người lao động...
Công nhân Long An nói về tín dụng đen, mạng xã hội 'bẩn' khi tiếp xúc ĐBQH ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Lệ Chi, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH giày Fuluh nêu: "Trước tình hình việc làm của người lao động (NLĐ) tỉnh nhà đang ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng (giảm giờ làm, giảm lương, thậm chí là DN đóng cửa,...), cử tri công nhân huyện Cần Giuộc mong các cấp chính quyền trong tỉnh có chủ trương để hỗ trợ DN và NLĐ trước thời điểm khó khăn này. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, DN gặp nhiều khó khăn, không có đơn hàng dẫn đến việc làm của NLĐ không ổn định, làm giảm mức thu nhập so với trước. Trong khi đó giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ người lao động, tiếp tục điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu vùng và có giải pháp bình ổn giá cả thị trường".

Công nhân Long An nói về tín dụng đen, mạng xã hội 'bẩn' khi tiếp xúc ĐBQH ảnh 3

Chị Nguyễn Thị Phương Trinh, công ty Meta Biomed Vina nói thẳng chủ đề nhà ở. "Hiện nay, giá nhà đất ở Long An khá cao, ngoài khả năng mua của đại bộ phận công nhân lao động. Vì vậy, rất cần các dự án nhà ở giá rẻ với diện tích nhỏ, không nhất thiết phải nhiều tiện ích mà chỉ cần phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho công nhân, có như thế thì mới đảm bảo cho công nhân ổn định cuộc sống. Xin các ĐBQH cho biết các chính sách về nhà ở cho người có thu nhập thấp được triển khai như thế nào?", chị Trinh nêu.

Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An đã đề xuất hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm, nỗ lực duy trì việc làm cho công nhân, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho công nhân, người lao động, kết nối thị trường lao động; tỉnh Long An đã đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin để phục vụ thông tin về lao động việc làm, đưa thông tin tuyển dụng lên cổng thông tin điện tử để người lao động tra cứu, tìm kiếm việc làm; tăng cường thông tin tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động.

Từ đầu năm đến nay Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An đã giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động; thực hiện giao dịch việc làm tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An; có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động: tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện hỗ trợ đoàn viên người lao động bị giảm giờ làm, mất việc; ngoài ra tỉnh Long An đã giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 8.100 lao động. Vấn đề 20 lượt doanh nghiệp xin cắt giảm lao động, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An đã có báo cáo về tình hình lao động và việc làm đồng thời kiến nghị trung ương thiết lập thêm nhiều chương trình hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm mới cho công nhân, người lao động.

Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An trả lời câu hỏi các cử tri.

Công nhân Long An nói về tín dụng đen, mạng xã hội 'bẩn' khi tiếp xúc ĐBQH ảnh 4

"Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An nói chung, trong các khu công nghiệp nói riêng có nhiều DN ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ doanh nghiệp bỏ trốn …dẫn đến tình trạng hàng ngàn lao động bị nợ lương và BHXH. Từ đó quyền lợi của NLĐ bị xâm phạm nghiêm trọng, vì không chốt được sổ BHXH, không được BHXH giải quyết chế độ ốm đau, thai sản…. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các ngành chức năng có giải pháp giải quyết chế độ cho NLĐ khi chủ DN bỏ trốn, cụ thể là chốt được sổ BHXH để NLĐ làm các thủ tục hưởng chế độ BHXH theo quy định", bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Long An nêu vấn đề.

Công nhân Long An nói về tín dụng đen, mạng xã hội 'bẩn' khi tiếp xúc ĐBQH ảnh 5

Thắc mắc bảo hiểm thất nghiệp,Chị Lâm Cẩm Hà, công ty TNHH Jiahsin nêu quan điểm: "Theo quy định của bảo hiểm xã hội, NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Khi NLĐ mất việc làm thì mức lương hưởng trợ cấp thất nghiệp là 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ mất việc làm và mức hưởng tối đa là 12 tháng. Tôi tham gia bảo BHTN liên tục từ năm 2009 cho đến nay, thậm chí tiếp tục tham gia những năm kế tiếp, nếu chỉ cho hưởng BHTN tối đa có 12 tháng vậy BHXH sẽ tính thế nào khi phần BHTN của NLĐ đóng vượt qua mốc 12 năm? Nếu tôi tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc tới năm 2026 là tôi tham gia BHXH được 25 năm và BHTN 17 năm, cũng là lúc tôi nghỉ hưu, như vậy 17 năm tham gia BHTN tôi đã đóng sẽ giải quyết như thế nào ? Chế độ hưu trí của tôi sẽ giải quyết như thế nào?".

"Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 37 khu công nghiệp với hơn 199.200 lao động, phần lớn từ các địa phương khác đến làm việc và chưa có nhà ở nên nhu cầu về nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp rất lớn, chiếm khoảng 70% số lao động hiện tại. Tuy nhiên việc đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động chưa được quan tâm", ông Nguyễn Văn Trang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An phát biểu.

Theo ông Trang, để sớm giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, cần thiết phải xây dựng “Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân giai đoạn 2022- 2025, định hướng 2030”. Dự kiến theo đề án, đến năm 2025 sẽ kêu gọi đầu tư khoảng hơn 159.800 căn, trong đó hoàn thành 5.000 căn nhà ở xã hội và 25.000 căn nhà cho công nhân. Định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng khoảng hơn 235.600 căn, trong đó hoàn thành 10.000 căn nhà ở xã hội và 55.000 căn cho công nhân.

Theo báo cáo, đến nay, toàn tỉnh Long An có 7 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, người thu nhập thấp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng quy mô đất khoảng 5,41 ha với 1884 căn đáp ứng cho khoảng 8.000 người. Ngoài ra có 21 dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đang triển khai dự kiến sẽ xây dựng hơn 15.526 căn.

Công nhân Long An nói về tín dụng đen, mạng xã hội 'bẩn' khi tiếp xúc ĐBQH ảnh 6

Anh Phan Thanh Quang, công ty TNHH Avery Dennison Ris Vietnam (KCN Long Hậu, Cần Giuộc) quan tâm đến câu chuyện tín dụng đen trong công nhân. "Hiện nay, tình trạng tín dụng đen và đòi nợ thuê "kiểu giang hồ" trở nên phổ biến. Nhiều trường hợp, nhân viên công ty (đặc biệt là bộ phận nhân sự) nhận được các cuộc gọi đe dọa để đòi nợ, thậm chí là bôi nhọ, làm xấu hình ảnh trên các mạng xã hội vì những "món nợ" không liên quan. Chúng ta đã có các hành lang pháp lý để xử lý loại tội phạm này (Luật Hình sự, Luật An ninh mạng,...) nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Như vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng có giải pháp nào để truy được các số điện thoại nặc danh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật này, bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi hình thức tội phạm này?".

Công nhân Long An nói về tín dụng đen, mạng xã hội 'bẩn' khi tiếp xúc ĐBQH ảnh 7

Anh Đào Thanh Hùng, Cty TNHH Giày FuLuh lại quan tâm đến câu chuyện mạng xã hội "bẩn". "Hiện nay, trên các trang mạng xã hội như facbook, tiktok, youtube… có nhiều video có nội dung nhảm nhí, độc hại, quảng cáo hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, thậm chí có nhiều video phản cảm gây ảnh hướng xấu và nguy hại đến cộng đồng giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường quản lý chặt về an ninh mạng,… vì các nội dung không được kiểm duyệt sẽ làm ảnh hưởng đến văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước, con người Việt Nam", anh Hùng nêu.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An sẽ phản ánh ý kiến của cử tri tới Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).