Công nghiệp chế biến chế tạo, chờ cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, vai trò của ngành chế biến, chế tạo đến nay đã được khẳng định trong nền kinh tế khi giá trị đóng góp cho tăng trưởng cũng như số lượng doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đang gia tăng theo từng năm.

Theo ông Lâm, Tổng cục Thống kê đã có báo cáo mới đây về sự đa dạng hóa cũng như những vấn đề nội tại trong phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Báo cáo cho thấy, cơ cấu các tiểu ngành trong nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự đa dạng hóa. Một số tiểu ngành trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện gia công, lắp ráp sản phẩm, đảm nhận những khâu đơn giản có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm tỷ trọng cao, có xu hướng phát triển mạnh.

Công nghiệp chế biến chế tạo, chờ cất cánh ảnh 1

Theo đánh giá, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ cất cánh khi có Luật Phát triển công nghiệp. Ảnh: Như Ý

Điều này có thể nhìn thấy rõ trong lĩnh vực dệt may, da giày. Dù có tới 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước nhưng chỉ có 3% trong số này đủ điều kiện và đặt được chân vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may thực hiện được việc xuất khẩu chỉ đạt 9% . Trong các ngành cao su, nhựa, hóa chất, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho trường trong nước chiếm 52% và cũng chỉ có 4% số doanh nghiệp thực hiện được việc xuất khẩu nguyên phụ liệu. Tỷ lệ trong ngành điện tử cũng tương tự khi có 44% doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ cung cấp được cho thị trường trong nước.

Theo thống kê sơ bộ, giá trị tăng thêm của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm 16,42% tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành chế biến, chế tạo, tăng 9,68 điểm phần trăm so với năm 2011.

Tỷ trọng gia tăng trong toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn có liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay nhiều tập đoàn điện tử nước ngoài đã tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam trong vòng 10 năm qua. Điển hình là tập đoàn Samsung tiến hành các hoạt động đầu tư từ năm 2009, nhờ đó đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm điện tử.

Một số ngành có trình độ công nghệ thấp, chế biến sản phẩm giản đơn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu có tỷ trọng giá trị gia tăng trong ngành chế biến, chế tạo giảm hoặc tăng thấp so với năm 2011 như: Sản xuất, chế biến thực phẩm chiếm 11,34% và giảm 4,03 điểm phần trăm; sản xuất trang phục chiếm 6,84% và tăng 0,18 điểm phần trăm; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan chiếm 5,93% và tăng 0,84 điểm phần trăm; dệt chiếm 3,97% và tăng 0,04 điểm phần trăm.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần chủ động thay đổi phương thức sản xuất, cải tiến mô hình tăng trưởng; đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để thích ứng với chu trình sản xuất mới trong nền kinh tế hướng đến thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, góp phần lớn vào quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Sẽ sớm có Luật Phát triển công nghiệp

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi tiếp cận trong phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, việc định hướng và tiếp cận chuỗi cung ứng cũng cần có chiến lược riêng đi kèm các cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Thực tế những năm qua lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam phải đối mặt những điểm nghẽn như: Nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI; Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Các công đoạn có giá trị gia tăng cao như sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế, marketing vẫn là sân chơi chính của các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, dù được nhiều hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nhưng do phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất hạn chế.

Theo ông Hoài, nếu không nhanh chóng tận dụng tốt lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và nước đi sau trong công nghiệp hóa, nguy cơ tụt hậu về phát triển công nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự án Luật Phát triển công nghiệp với mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP lên 25% vào năm 2025. Đến nay hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp đã được Chính phủ thông qua chủ trương và Chính phủ cũng đã thông qua các chính sách dự kiến quy định tại Dự án Luật và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2023. Cục Công nghiệp đang tiến hành tiếp thu ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để báo cáo lại Thủ tướng trong tháng 7/2022.

Trong 6 tháng cuối năm, Cục Công nghiệp xác định tiếp tục tập trung triển khai 4 nhiệm vụ lớn. Trong đó khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phát triển công nghiệp để báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2022, trình Quốc hội dự án Luật phát triển công nghiệp vào năm 2023.

MỚI - NÓNG