Công nghệ Việt “thuần phục” dioxin

Hai cán bộ trẻ của Viện Công nghệ Sinh học tham gia quá trình khử độc đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa bằng phương pháp phân hủy sinh học.
Hai cán bộ trẻ của Viện Công nghệ Sinh học tham gia quá trình khử độc đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa bằng phương pháp phân hủy sinh học.
TP - Nhóm nhà khoa học Việt Nam thường xuyên tiếp xúc loại hóa chất độc hại nhất mà loài người biết đến, dầm dãi hàng tháng trời ở 2 sân bay bị ô nhiễm dioxin nặng nhất, trong khi kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, nhiều lúc phải bỏ tiền túi. Cuối cùng, họ cho ra đời công nghệ biến đất nhiễm dioxin thành đất nông nghiệp với chi phí bằng 5-10% công nghệ Mỹ.

Trong cuộc trò chuyện cách đây ít lâu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ, Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin và cho kết quả rất tốt. Hàm lượng dioxin trong đất giảm hàng nghìn lần, dưới mức cho phép để làm nông nghiệp, chi phí bằng 5 - 10% công nghệ Mỹ đang áp dụng mà hiệu quả lại lâu dài.

Xử lý đến 99,84% độ độc

Công nghệ mà Bộ trưởng Nguyễn Quân nói đến là công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học (bioremediation) do Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu công nghệ là PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà.

Bắt đầu từ năm 1999 với 12 đề tài, dự án nghiên cứu khác nhau, sau 10 năm, công nghệ phân hủy sinh học được áp dụng tại sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Trong chiến tranh, sân bay Biên Hòa là căn cứ chính chứa chất diệt cỏ phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học của Mỹ. Nơi đây tiếp nhận từ tàu thủy, lưu giữ và sử dụng 98 ngàn thùng phuy (loại 208 lít) chất da cam, 45 ngàn thùng chất trắng, 16 ngàn thùng chất xanh và 11 ngàn thùng chất diệt cỏ (số liệu quân đội Mỹ cung cấp). Mức độ ô nhiễm vào loại nhất thế giới.

Đầu năm 2009, công nghệ phân hủy sinh học của PGS.TS Cẩm Hà và cộng sự được ứng dụng khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin ở qui mô 3.384m3 thuộc khu vực Z1 - nơi ô nhiễm nhất sân bay Biên Hòa. Sau 27 tháng, từ hàm lượng ban đầu hơn 10.000 ppt, lượng dioxin còn lại trung bình là 52 ppt, hiệu quả xử lý đạt 99,48%. Sau 40 tháng, hiệu quả xử lý đạt 99,84%. Kết quả này do ba phòng thí nghiệm (Hà Lan, Đức và Phòng thí nghiệm phân tích dioxin thuộc Bộ TN&MT) cùng phân tích và đánh giá.

Đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin tại sân bay Biên Hòa được làm sạch với lượng dioxin dưới mức cho phép với đất sản xuất nông nghiệp và thấp hơn hàm lượng dioxin trong đất nền ở châu Âu. Công nghệ này cũng được thực hiện với sự hợp tác của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ, sự tài trợ của quỹ Ford Foundation, với quy mô nghiên cứu thí điểm hiện trường (11 x 2 m3) tại sân bay Đà Nẵng. Từ nồng độ ban đầu hơn 43.000 ppt, sau 6 tháng xử lý, 30% tổng độ độc trung bình đã bị loại bỏ.

Hiện nay, Mỹ áp dụng công nghệ khử hấp thu nhiệt để xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, phương pháp này khi áp dụng cho vùng nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng cho kết quả hạn chế, vẫn phải dùng đến biện pháp chôn lấp hoặc xử lý tiếp tục ở công đoạn sau.

Công nghệ Việt “thuần phục” dioxin ảnh 1

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến khảo sát thực địa vùng nhiễm dioxin

“Phương pháp xử lý bằng công nghệ sinh học của các nhà khoa học Việt Nam có thể xử lý khử độc để đất đạt tiêu chuẩn sử dụng cho sản xuất nông nghiệp với chi phí thấp và có khả năng áp dụng diện rộng”, Bộ trưởng Quân chia sẻ. 

Các chuyên gia đánh giá, áp dụng công nghệ sinh học mất nhiều thời gian hơn, nhưng có độ an toàn cao, chi phí thấp và triệt để. Theo PGS.TS Cẩm Hà, trước đó, việc xử lý đất nhiễm dioxin bằng công nghệ sinh học đã được nghiên cứu trên thế giới, nhưng mới tiến hành ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô thí điểm nhỏ tại hiện trường.

Theo số liệu của quân đội Mỹ, giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ thực hiện 19.905 phi vụ rải khoảng 80 triệu lít chất độc diệt cây (có tài liệu nói 82 triệu lít). Một số cơ quan nghiên cứu Mỹ cho biết, 10 khu vực của Việt Nam bị ảnh hưởng chất độc hoá học của Mỹ nặng nhất là Phước Long, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Long Khánh, Tây Ninh, Quảng Nam, Biên Hoà, Bình Dương, Quảng Trị, Kon Tum. 

Một số lưu vực sông cũng bị ảnh hưởng nặng nề, như lưu vực sông vùng Đông Nam bộ (41% lưu vực), sông Hương (39%), sông Thạch Hãn (33%)... Hiện tại, tuy độ độc trong đất của các vùng bị rải đã xuống thấp và có nơi chỉ còn lại vết tích nhưng hơn 3 triệu ha đất đã bị thoái hóa. Tất cả diện tích này cần tái tạo để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thu hẹp dần đất dành cho sản xuất nông nghiệp.

Công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã mở ra cơ hội làm sạch đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin ở các điểm nóng với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện khoa học - công nghệ hiện nay của Việt Nam. Công nghệ sẽ giúp biến các vùng đất nhiễm các chất độc thành những khu vực phát triển nông, lâm nghiệp phù hợp.

Đối mặt dioxin

Công nghệ xử lý đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng phân hủy sinh học là kết quả hơn 10 năm nghiên cứu miệt mài của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Quốc phòng với hàng loạt nghiên cứu từ cơ bản, công nghệ, thử nghiệm quy mô lớn dần cùng các phân tích, đánh giá sâu sắc về bản chất của tập đoàn vi sinh vật bản địa, sự thay đổi nồng độ dioxin và chất diệt cỏ. 

Trưởng nhóm nghiên cứu, PGS.TS Cẩm Hà, là nghiên cứu viên cao cấp, nguyên trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bà tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Azerbaijan, chuyên ngành sinh học năm 1975, nhận bằng tiến sĩ khoa học sinh học tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary, nghiên cứu và giảng dạy tại Hungary và Áo giai đoạn 1985-1995.

Nghiên cứu dioxin và các chất độc đi kèm thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với chúng. Vì sao bà lại chọn con đường nghiên cứu này, khi phải thường xuyên tiếp xúc thứ hóa chất độc hại nhất mà loài người biết đến, thứ hóa chất làm cho hơn 3 triệu người Việt chịu những di chứng khủng khiếp? 

PGS.TS Cẩm Hà tâm sự trong nước mắt: “Tôi được ra nước ngoài học tập. Nhiều người anh, người bạn của tôi ra chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ đã không có cơ hội quay trở về. Hơn 15 năm nghiên cứu về dioxin, phải chịu những áp lực ghê gớm, có lúc tưởng như phải bỏ cuộc nhưng vì họ và vì những nạn nhân bị phơi nhiễm mà tôi được tiếp xúc, tôi lại tiếp tục cùng động viên các nhà khoa học trẻ đi tới cùng”. Có khi vài tuần đến hàng tháng trời bà cùng các cộng sự trẻ dầm dãi ở các điểm nóng Đà Nẵng, Biên Hòa - 2 sân bay bị ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin nặng nhất.

Các cộng sự của bà còn rất trẻ, tương lai là gia đình, con cái nhưng vẫn tham gia nghiên cứu. “Có lẽ do nắm được nguyên lý của quá trình phơi nhiễm nên các nhà nghiên cứu đã hạn chế được tác động lên sức khỏe của hỗn hợp chất diệt cỏ/dioxin. Tôi và các cộng sự của mình thường uống nước gạo rang cháy thành các-bon sau khi tiếp xúc trực tiếp. Đến nay, mọi người đều bình yên”, PGS.TS Cẩm Hà chia sẻ.

Công nghệ Việt “thuần phục” dioxin ảnh 2

Rừng đước Cà Mau chết rụi do quân đội Mỹ rải chất độc dioxin. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Khả năng ứng dụng rộng rãi

Nghiên cứu dioxin không chỉ rủi ro mà còn tốn kém. Mỗi mẫu phân tích dioxin trị giá nghìn đô la Mỹ và phải gửi ra nước ngoài (Hiện nay, Việt Nam đã có hai phòng thí nghiệm có khả năng phân tích dioxin - một phòng thí nghiệm của Bộ Quốc phòng và một phòng thí nghiệm của Bộ TN&MT). Kinh phí nghiên cứu rất khiêm tốn nên PGS.TS Cẩm Hà luôn phải đau đầu tính toán sao cho phù hợp, sẵn sàng bỏ tiền túi nếu cần thiết. 

Nhờ quá trình nghiên cứu với phương pháp luận hợp lý, sáng tạo được kiểm chứng bằng các phân tích chuẩn quốc tế và quốc gia nên đề tài có sản phẩm được cấp bằng sáng chế với tên là “Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học”. 

Công trình này đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp Bằng độc quyền sáng chế số 10246 cho Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và hai tác giả Đặng Thị Cẩm Hà, Nguyễn Bá Hữu. 

Hiện nay, PGS.TS Cẩm Hà tiếp tục nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu suất xử lý khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học để thời gian xử lý ngắn hơn và chi phí thấp hơn nữa. PGS.TS Cẩm Hà mong muốn công nghệ này nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi. Đó là cách để bà và đồng nghiệp tri ân những người đi trước, bạn bè và nạn nhân chất độc da cam/dioxin…

Huy chương vàng quốc tế

Năm 2011, PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà nhận được Huy chương vàng tại Triển lãm quốc tế sáng chế của phụ nữ với công nghệ “Quy trình xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học”. Sự kiện do Hiệp hội Nhà phát minh và Doanh nhân nữ thế giới (WWIEA) tổ chức. 

Trong số hơn 500 đại biểu từ 30 quốc gia, Ban tổ chức đã chọn trao giải thưởng cho những phụ nữ là chủ nhân của các nghiên cứu, sáng chế, mô hình mang tính đột phá. PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà được trao Giải thưởng Vàng - một trong những giải thưởng cao nhất.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...