Dioxin giữa thời bình: Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì?

Lò đốt rác thải y tế được đánh giá có nguy cơ phát thải dioxin cao. Ảnh minh hoạ: Hải Trần
Lò đốt rác thải y tế được đánh giá có nguy cơ phát thải dioxin cao. Ảnh minh hoạ: Hải Trần
TP - Sẽ mở rộng rà soát các lò đốt rác thải, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định. 

Sau loạt bài hàng loạt nhà máy xử lý rác thải dioxin, Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xoay quanh nội dung này.

Phát hiện đáng chú ý

Kết quả nghiên cứu của dự án “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam” cho thấy, nhiều nhà máy xử lý rác thải ở Hà Nội, TPHCM, Hải Dương có hàm lượng dioxin trong nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép vài chục đến vài trăm lần, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nghiên cứu trên?

Do điều kiện thực hiện hạn chế, số lượng mẫu khảo sát có hạn nên kết quả nghiên cứu mới mang tính phát hiện, cảnh báo nguy cơ phát thải dioxin từ các lò đốt rác thải chứ không phải cho thấy hiện trạng phát thải dioxin từ lò đốt hiện nay. Muốn nhìn tổng thể về hiện trạng phải có số lượng mẫu lớn, có tính đại diện.

Tuy nhiên kết quả nghiên cứu như vậy là rất đáng chú ý.

Báo cáo hiện trạng ô nhiễm dioxin ở Việt Nam cũng chỉ ra nguy cơ phát thải dioxin do công nghệ lạc hậu, quan điểm của Tổng cục Môi trường như thế nào?

Cứ đốt rác thải là có nguy cơ tạo thành dioxin không chủ ý, đốt rơm rạ ngoài đồng, cháy rừng cũng tiềm ẩn tạo dioxin, vấn đề là mức độ phát thải. Việc phát thải dioxin từ lò đốt có thể do nhiều nguyên nhân như nguyên liệu đầu vào, công nghệ không đáp ứng yêu cầu, thiết bị không chuẩn, vận hành không đúng. Nói về công nghệ, lò đốt rác thải y tế, công nghiệp ở Việt Nam về cơ bản được thiết kế theo công nghệ đốt đa vùng mà thế giới sử dụng phổ biến. 

Tuy nhiên các lò đốt chế tạo ở Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, mức độ tự động hóa thấp, việc giám sát các thông số chủ yếu dựa vào  trình độ, ý thức của người vận hành. Lò đốt có thiết kế tốt đi nữa mà ý thức người vận hành kém thì vẫn phát thải dioxin bình thường. Ngoài ra các lò đốt rác thải tại địa phương thường ít được duy tu, bảo trì nên xuống cấp nhanh, không đảm bảo tiêu chí kỹ thuật làm tăng nguy cơ phát thải dioxin. Về nguyên liệu, chất thải nguy hại khi xử lý có khả năng tạo ra dioxin cao hơn.

Mở rộng rà soát

Bộ TN&MT có giải pháp cụ thể như thế nào trước nguy cơ này. Với riêng các nhà máy xử lý rác thải đã lấy mẫu và có hàm lượng dioxin vượt mức cho phép ở Hà Nội, TPHCM và Hải Dương thì xử lý thế nào?

Dioxin giữa thời bình: Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì? ảnh 1

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Trước hết cần nói thêm con số 5.000 lần, đây là kết quả đo hàm lượng dioxin trong mẫu nước tuần hoàn chứ không phải trong nước thải. Lò đốt chuẩn về cơ bản không phát sinh nước thải còn nước tuần hoàn nhiễm dioxin đến mức độ nào đó sẽ phải được xử lý và tuần hoàn trở lại.

Ô nhiễm dioxin nói riêng và ô nhiễm chất hữu cơ khó phân hủy nói chung được Bộ TN&MT đặc biệt quan tâm.

Trong thực hiện quản lý ô nhiễm thì bước đầu là khảo sát, đánh giá tình hình, phải có số liệu quan trắc đủ độ chính xác, đủ tính đại diện mới đưa ra được giải pháp đúng đắn.

Tổng cục Môi trường đang đề xuất mở rộng điều tra, đánh giá ô nhiễm dioxin từ các lò đốt. Tuy nhiên, cần thấy rằng đây là vấn đề rất phức tạp, kinh phí lớn (hàng chục triệu đồng/mẫu), số lượng mẫu ở mỗi lò đốt phải lớn, đủ tính đại diện. Ở Việt Nam cũng mới có hai cơ sở đủ khả năng phân tích dioxin nên quá trình điều tra, khảo sát sẽ tốn nhiều thời gian.

Tổng cục Môi trường với sự hỗ trợ của Nhật Bản đang tiến hành xây dựng lại quy chuẩn lò đốt công nghiệp thay thế QCVN 30: 2012/BTNMT để vừa đảm bảo môi trường, vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hiện Dự án “Xử lý dioxin ở các vùng ô nhiễm nặng” mới kết thúc, đang trong giai đoạn tổng kết đánh giá, trên cơ sở các phát hiện của dự án, chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể trong thời gian tới, trước hết phải có đánh giá bổ sung, toàn diện hơn đối với các cơ sở được ghi nhận phát thải dioxin vượt ngưỡng cho phép ở Hà Nội, TPHCM và Hải Dương.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Xây dựng phản hồi công văn của Phó Thủ Tướng

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vụ hàng loạt nhà máy xử lý rác thải thải dioxin. Công văn nêu nội dung về quản lý chất thải công nghiệp và chất thải y tế nguy hại thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ TN&MT, còn Bộ Xây dựng quản lý về chất thải rắn thông thường. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì kiểm tra và báo cáo làm rõ vấn đề này, Bộ Xây dựng phối hợp thực hiện. Trước đó Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ KH&CN làm rõ thông tin hàng loạt lò đốt rác thải thải dioxin do công nghệ lạc hậu đăng trên báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.