Dioxin giữa thời bình

Dioxin giữa thời bình
TP - Báo cáo hiện trạng ô nhiễm dioxin trong môi trường tại Việt Nam vừa công bố mới đây khiến chúng ta không khỏi giật mình lo ngại: Hàng loạt lò đốt rác thải có hàm lượng dioxin trong khí thải và nước thải vượt mức từ vài lần đến hàng nghìn lần.

Nguyên nhân thì đã rõ, do hầu hết các nhà máy xử lý rác thải ở Việt Nam đều sử dụng công nghệ đốt lạc hậu, chủ yếu liên quan tới nhiệt độ lò đốt và công nghệ xử lý khí thải. Nhiệt độ của lò đốt  ở buồng thứ cấp phải là 1.200 độ C mới triệt tiêu được dioxin nhưng không phải lò đốt nào ở Việt Nam cũng có thể đạt được. Ngoài ra, nhiều nhà máy chỉ xử lý khí thải bằng cách làm nguội nên nguy cơ khí thải chứa dioxin thoát ra môi trường cũng rất cao.

Theo PGS.TS Lê Kế Sơn, Giám đốc dự án “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam”, dioxin là sản phẩm của lửa, là chất độc nhất do con người tìm ra và tạo ra. Các nguồn phát thải dioxin chủ yếu đến từ rác thải và quá trình xử lý rác thải, công nghiệp giấy, xi măng, luyện kim, nung gạch… Như vậy dioxin đâu chỉ có trong thời chiến do chất da cam được quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam. Dioxin do chính hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người chúng ta tạo ra trong thời bình cũng đáng sợ không kém, nếu như không có các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn. “Tại Việt Nam, ngay ở một số nơi không có dioxin nguồn gốc từ chiến tranh vẫn đo được nồng độ dioxin trong máu, mỡ và sữa mẹ”, PGS.TS Lê Kế Sơn cảnh báo.

Điều đáng lo ngại, riêng trong lĩnh vực rác thải y tế, bất chấp việc công nghệ lò đốt đã bị cấm sử dụng ở các nước tiên tiến từ nhiều năm nay thì tại Việt Nam hiện vẫn có khoảng 400 lò đốt rác thải y tế với công nghệ lạc hậu đang từng ngày từng giờ thải dioxin vào môi trường.

Giữa thời bình nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục người mất mạng vì tai nạn giao thông - một vấn nạn nhức nhối do chính hoạt động đi lại của con người gây nên. Ô nhiễm môi trường cũng vậy, mà độc nhất và gây tác hại lâu dài tới nhiều thế hệ nhất chính là dioxin. Chưa có những con số thống kê chính thức về tác hại của sự phát thải dioxin trong sản xuất, sinh hoạt gây ra. Song chắc rằng nguy cơ này cũng nhức nhối chẳng kém gì tai nạn giao thông hiện nay.

Không giống như TNGT có thể mục sở thị bằng mắt thường, sự phát thải dioxin của lò đốt chỉ có các nhà khoa học mới đo đếm được. Và chỉ có các cơ quan quản lý về môi trường mới có khả năng đưa ra chính sách và kiểm soát về vấn đề này mà thôi. Trách nhiệm về vấn đề này, trước hết đang thuộc về các nhà quản lý về môi trường.

MỚI - NÓNG