Những điểm nóng dioxin bây giờ ra sao?

Một góc sân bay Phù Cát
Một góc sân bay Phù Cát
TP - Sau năm năm thực hiện, mới chỉ có sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách điểm nóng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam, trong khi sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm nặng dioxin tại Việt Nam” ngày 19/3, tại Hà Nội.

Vẫn thả cá, nuôi gà ở vùng ô nhiễm nặng

TS Nguyễn Văn Minh, Hội đồng tư vấn về khoa học và công nghệ, Ban chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam cho biết, 40 năm sau chiến tranh, nồng độ dioxin ở những vùng bị phun rải đã giảm dưới ngưỡng cho phép, chỉ còn ba sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định) tồn lưu dioxin vượt ngưỡng cho phép từ vài chục đến vài trăm lần.

PGS.TS Lê Kế Sơn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, giám đốc dự án chia sẻ, sân bay Biên Hòa ô nhiễm rộng nhất, sâu nhất, nồng độ ô nhiễm cao nhất, tổng thể tích đất, bùn phải xử lý nhiều nhất, có nhiều hồ ô nhiễm nhất và mức độ lan tỏa ra môi trường xung quanh rộng nhất. Kết quả phân tích cho thấy có sự lan tỏa dioxin ra sông Đồng Nai. Xung quanh sân bay có mật độ dân cư cao nên rủi ro đối với sức khỏe con người do nhiễm dioxin cần được quan tâm hàng đầu. 

Năm 2009, 94 nghìn m3 đất và trầm tích ở khu vực này được chôn lấp nhưng vẫn còn khoảng 160 nghìn m3 chưa xử lý. Hiện mới tiến hành thu gom, khu trú đất ô nhiễm, thu gom xử lý nước chảy tràn qua khu ô nhiễm và xây dựng hệ thống tường rào, biển báo nhằm ngăn chặn sự lan tỏa của dioxin ra môi trường xung quanh.

Đáng lưu ý, theo PGS Lê Kế Sơn tình trạng nuôi thả thủy sản, gia cầm vẫn diễn ra ở các hồ, ao trong sân bay. Việc chấm dứt nuôi thả thủy sản, gia cầm chỉ trên giấy tờ. “Ở hồ ông Hùng chẳng hạn, nồng độ nhiễm dioxin là 8.000 ppt trong khi ngưỡng cho phép là 150 ppt, vượt gần 60 lần nhưng hoạt động nuôi, đánh bắt cá vẫn diễn ra. Rất nguy hại cho sức khỏe nếu ăn phải thủy sản ở đây”, ông Sơn nói.

Nhiều việc phải làm

Sân bay Phù Cát, nơi có dân cư sinh sống và hoạt động hàng không dân dụng nay được đưa khỏi danh sách điểm nóng ô nhiễm dioxin. Theo Ban quản lý dự án, hơn 7.000 m3 đất nhiễm dioxin ở đây đã được thu gom, chôn lấp an toàn theo công nghệ tiêu chuẩn quốc tế. Hoạt động tổ chức quan trắc, giám sát môi trường, kể cả môi trường nước ngầm khu vực chôn lấp được tiến hành. Môi trường và sức khỏe con người được đảm bảo.

Ở sân bay Đà Nẵng, gần 73 nghìn m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin đang và sẽ được xử lý bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt tại mố, đến 2016 thì xong. Tuy nhiên, theo ông Lê Kế Sơn, việc xử lý môi trường nhiễm dioxin rất phức tạp, nảy sinh nhiều vấn đề.

“Khi xử lý sân bay Đà Nẵng dự tính nguồn kinh phí khoảng 37 triệu USD nhưng đến giờ đã hết hơn 80 triệu USD”. Dự kiến khối lượng đất, trầm tích phải xử lý là 72.900 m3 nhưng quá trình thực hiện phát sinh thêm gần 75 nghìn m3. Sân bay Biên Hòa còn tới 160 nghìn m3 chưa xử lý.

MỚI - NÓNG