Nghị trường "nóng" những vấn đề kinh tế xã hội

Công khai vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông

Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam Ảnh theo nguồn: Thanh niên
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam Ảnh theo nguồn: Thanh niên
TP - Thảo luận về tình hinh kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách tại Quốc hội, ngày 30/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, Việt Nam cần “công khai thật chi tiết” các vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông và đưa ra tòa án quốc tế.

Đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế

Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), những năm qua, sau khi khai thác cạn kiệt tài nguyên môi trường biển, Trung Quốc đã sang cả vùng biển lân cận, thậm chí xa hơn trên Biển Đông. Trung Quốc đã chuyển giai đoạn xây dựng bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa, khai thác, sử dụng. “Chúng ta cần công khai thật chi tiết các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ để dư luận tiến bộ Việt Nam, trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc biết”, ông Hiếu đề nghị.

Cũng theo ông Hiếu, các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian qua với phương châm “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, kiên quyết kiên trì xử lý hành vi xâm phạm chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, không làm giảm đi “lòng tham của họ”. Vì thế, Việt Nam cần có thêm biện pháp mới theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định là “không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.

“Nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, tuy nhiên chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính mà phải đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo Biển Đông suốt thời gian vừa qua. Chúng ta có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc”, ĐB Hiếu bày tỏ.

Cũng đề cập tình hình Biển Đông, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nhắc lại báo cáo Chính phủ nêu, “gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao”.

Theo ông Nhường, Đảng và Nhà nước đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

“Trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, ngư dân là lực lượng tham gia đóng góp lớn, nhưng chính sách cho đối tượng này lại chưa được quan tâm đúng mức”, ông Nhường nói.

Ba năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt 

Công khai vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI     Ảnh: Như Ý

Đề cập cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Rất nhiều chuyên gia đã dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi và Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Ông Lộc dẫn chứng, 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2%, bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 là 15,4%, bằng khoảng 1/3 mức tăng của những năm trước đó.

Đặc biệt theo ông Lộc, dù xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến trong thời gian qua nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận thương mại, thâm hụt thương mại. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 45 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. “Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ”, ông Lộc đặt câu hỏi.

Chủ tịch VCCI cũng lo ngại, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 sẽ gian nan bởi động lực chính là nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp đang suy giảm. Theo báo cáo, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp đã không đạt kế hoạch, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ông Lộc cũng nêu một thực trạng rất khó hiểu khi luật pháp cũng như chính sách dường như đang bỏ quên các hộ kinh doanh nằm trong khối kinh tế tư nhân. Số liệu cho thấy, 700.000 doanh nghiệp tư nhân đóng góp 10% GDP thì hộ kinh doanh đóng góp tới 30% GDP và tạo việc làm cho 1,8 triệu người.

Theo Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện trạng “đứng ngoài pháp luật” của hộ kinh doanh khiến họ khó được đảm bảo quyền lợi: khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, không tiếp cận được tín dụng, rất khó đăng ký sở hữu trí tuệ... buộc phải đăng ký với tư cách cá nhân. “Quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy để hỗ trợ lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt”, ông Lộc phân tích.

Giấy phép con vẫn đè nặng

ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nêu nghịch lý, mặc dù Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể tăng 6,3% so với năm 2018. Việc đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi môi trường kinh doanh có thực sự lý tưởng để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

“Tình trạng trên nóng, dưới lạnh, ở giữa thờ ơ đã giảm nhiệt huyết của người dân, doanh nghiệp, các giấy phép con cháu. Chi phí không chính thức và đặc biệt là chi phí tuân thủ pháp luật do tồn tại quá nhiều quy định gia tăng áp lực lên doanh nghiệp”, ĐB So nói.
Ông So đề nghị nhà nước khuyến khích thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực mà lâu nay vốn là độc quyền nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc… “Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được tiêu cực”, ông So nói.

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị có giải pháp giải quyết tình trạng “có tiền không tiêu được đang có xu hướng ngày càng gia tăng, năm sau chậm hơn năm trước”. Theo ông Hàm, giải ngân chậm cho thấy việc lập kế hoạch không sát, không theo dõi tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, đặc biệt lãng phí vốn ODA không giải ngân được, không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết. Do đó ông Hàm lưu ý cần phải cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm. 

Công khai vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 2  ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

“Hình ảnh người Hà Nội phải xếp hàng đi lấy và mua nước sạch đã lộ ra “sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, còn những khe hở để những kẻ không có lương tâm luồn lách thu lợi trên sức khỏe người dân. Vì thế, cần rà soát văn bản pháp luật đã ký với các công ty cấp nước đã cổ phần hóa để đảm bảo nguồn nước trên phạm vi cả nước”.  ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

MỚI - NÓNG