Công khai và minh bạch

Công khai và minh bạch
TP - Dịp đầu năm 2014, báo Tiền Phong mở Diễn đàn “Kiểm soát tài sản quan chức, cách nào ?” và nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo bạn đọc, chuyên gia và đại biểu Quốc hội.

Nhiều ý kiến tâm huyết mang tính xây dựng đã được nêu lên, song tựu trung lại đều nhất trí rằng, muốn kiểm soát được tài sản quan chức thì phải có cơ chế để công khai và minh bạch tài sản mà họ đang sở hữu.

Việc quy định bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên đang giữ chức vụ phải công khai tại nơi công tác rõ ràng là một bước tiến bộ mới, khắc phục được tình trạng kê khai xong đem cất ngăn tủ chỉ một vài người được biết như lâu nay. Tuy nhiên chưa dừng lại ở đó, theo ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ thì sắp tới những bản kê khai này sẽ phải tiếp tục công khai tại nơi cư trú để mọi người dân được biết. “Theo Nghị quyết của T.Ư thì bản kê khai tài sản phải công khai nơi cư trú. Song bây giờ chúng ta phải nghiên cứu cách thức công khai thế nào cho phù hợp. Cùng với đó cũng nên nghiên cứu xem diện kê khai có nên giữ nguyên, mở rộng hay thu hẹp lại để giám sát, quản lý cho sâu”, ông Đạt nói trong bài trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong số ra ngày hôm nay.

Ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cũng lo ngại rằng, đang phải nghiên cứu xem công khai hình thức như thế nào để dân biết, giám sát rồi phản ánh một cách hiệu quả nhất. Tránh được những người có động cơ cá nhân, tuyên truyền xấu thì lại làm ảnh hưởng đến người kê khai trung thực… Lo ngại trên là đúng song bất cứ giải pháp nào cũng có hai mặt của nó, chúng ta cần cân nhắc, so sánh yếu tố lợi và hại để quyết định. Thiết nghĩ trong bối cảnh tham nhũng đã phổ biến, nhức nhối và trở thành “quốc nạn” như hiện nay, thậm chí đe dọa sự tồn vong của chế độ, thì việc công khai bản kê khai tài sản quan chức tại nơi cư trú là hết sức cần thiết. Và chắc chắn một khi đã có hình thức công khai tới tận địa bàn cư trú của mỗi công bộc của dân, cái được, cái lợi sẽ to lớn hơn rất nhiều so với cái lo ngại “ảnh hưởng đến người kê khai trung thực” kia. Vả lại, một khi cán bộ mà có nhiều tài sản, làm giàu chính đáng bằng tài năng và lao động của mình hoặc gia đình, thì có gì phải giấu giếm, phải kê khai không trung thực? Tin rằng họ sẽ đường hoàng và tự tin lẫn tự hào để sẵn sàng công khai, sẵn sàng nêu gương làm giàu chính đáng để người dân noi theo. Có chăng chỉ những kẻ tham ô, tham nhũng mới sợ công khai tài sản của mình và gia đình mà thôi !

Công khai cũng là điều kiện cần để có thể giám sát, kiểm tra, và từ đó giúp minh bạch hóa nguồn tài sản của cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Có công khai thì mới minh bạch được tài sản của quan chức, đó cũng là bước ngoặt quan trọng giúp cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thành công. 

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.