Tổng thanh tra Chính phủ: Kê khai tài sản hình thức, chưa thực chất

Tổng thanh tra Chính phủ: Kê khai tài sản hình thức, chưa thực chất
TP - Kê khai tài sản thu nhập thời gian qua được xác định là 1 trong 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Song quá trình kê khai còn nhiều khiếm khuyết, mang tính hình thức, chưa thực chất.

Đó là nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh - khi trao đổi với phóng viên bên lề Tọa đàm “Chung tay PCTN vì sự phát triển” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế PCTN diễn ra ngày 9/12 tại

Hà Nội.

  

Theo ông Tranh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại trong công tác kê khai tài sản, thu nhập. Điển hình như do người kê khai chưa tự giác, đặc biệt là khi tài sản, thu nhập tăng lên. Trong khi đó chế tài chưa mạnh; một số nơi người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác này… Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tính tự giác của người được kê khai; hoàn thiện pháp luật, quy định thật chặt chẽ để kiểm soát tốt hơn. Đặc biệt là phải có chế tài xử lý mạnh đối với các trường hợp kê khai không trung thực.

Tại Toạ đàm, ông Trần Đức Lượng – Phó tổng TTCP xác nhận với các đại biểu về việc Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng 2014 (CPI 2014) cho thấy điểm số CPI của Việt Nam trong 3 năm liên tiếp (2012-2014) không thay đổi với 31/100 điểm. 

Trong những năm qua, với sự chung tay của cả khu vực công, khu vực tư, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và người dân, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tham nhũng, khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng… 

Tuy nhiên, ông Lượng cũng cho hay “chúng ta đã làm quyết liệt, một số lĩnh vực đã có chuyển biến nhưng người dân còn bức xúc, đặc biệt là tham nhũng vặt còn phổ biến, trong lĩnh vực y tế, tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua gây thiệt hại lớn cho nhà nước, người dân và xã hội”. Theo đó, ông Lượng đề nghị các đại biểu tham dự chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn về những nỗ lực đã và đang được thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực.

Đưa ra ý kiến đóng góp, đại diện UNDP cho rằng phải tăng tính bình đẳng về dịch vụ y tế, giáo dục, cần tăng cường phối hợp giữa khu vực công và tư, Nhà nước và người dân. Đặc biệt, cần phá bỏ những chuỗi tham nhũng nhằm thu hồi được tài sản tham nhũng. Để làm được điều này, đại diện UNDP cho rằng không chỉ Nhà nước mà mọi người trong xã hội, nhất là người trẻ cần tham gia tích cực để phá chuỗi này. 

Để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh hiệu quả của những quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp, những đề án phòng chống tham nhũng tại cộng đồng. Bởi doanh nghiệp vừa là nạn nhân lại vừa là tác nhân của tham nhũng nhưng nếu được trang bị tốt kiến thức PCTN, doanh nghiệp sẽ là đối tác cùng nhà nước triển khai chiến lược PCTN.

Tại cuộc Tọa đàm, Tổng TTCP cũng đã đưa ra 5 biện pháp thể hiện quyết tâm PCTN như: Đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, gắn với công tác cải cách hành chính và cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo và khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không có “vùng cấm’ trong PCTN. “Làm tốt việc này cũng là để củng cố lòng tin của người dân đối với quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong PCTN, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác PCTN” – ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh.


MỚI - NÓNG