Công khai rộng rãi tài sản để dân giám sát

Dinh thự của con trai ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra Chính phủ ở ấp 3 - xã Sơn Đông - TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Đ.D.
Dinh thự của con trai ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra Chính phủ ở ấp 3 - xã Sơn Đông - TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Đ.D.
TP - Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: Khi đã giữ một chức vụ, vị trí nào đó, cần phải hy sinh, gương mẫu, phải công khai rộng rãi tài sản để dân giám sát. Vì đó là điều kiện, chấp nhận điều kiện đó thì anh tham gia vào Quốc hội, tham gia chức vụ ấy. Nếu không thì thôi.

Trò chuyện với Tiền Phong câu chuyện người từng giữ chức vụ quan trọng trong lực lượng chống tham nhũng nhưng lại có quá nhiều nhà đất dẫn đến vi phạm quy định của Đảng, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: Khi đã giữ một chức vụ, vị trí nào đó, cần phải hy sinh, gương mẫu, phải công khai rộng rãi tài sản để dân giám sát. Vì đó là điều kiện, chấp nhận điều kiện đó thì anh tham gia vào Quốc hội, tham gia chức vụ ấy. Nếu không thì thôi.

Một số ĐB nói rằng công tác giám sát, chống tham nhũng của chúng ta còn nhiều hạn chế, nhất là thu hồi tài sản đạt rất thấp. Thậm chí có những vụ việc phát hiện tài sản vi phạm thì người đó đã về hưu, chứ hiếm thấy xử lý với người đương chức. Nhìn lại vụ việc xử lý đối với ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, không ít ĐB còn băn khoăn?

Phải nói là cơ chế chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả. Tôi nói chúng ta đang còn “đánh trận giả”, không phải không có lý do. Chúng ta không đánh được, không xác định được đối tượng chính là ai. Chỉ khi nào sự việc xảy ra rồi mọi người mới tá hỏa, mới vào cuộc. Ngăn chặn, phát hiện sớm tham nhũng còn rất hạn chế. Vụ ông Truyền gây tác động đến dư luận bởi ông ấy quá đặc biệt. Là một người cầm cân nảy mực, người chống tham nhũng nhưng ông ấy lại để mình rơi vào một hoàn cảnh trớ trêu như thế. 

Qua câu chuyện về tài sản vi phạm của ông Trần Văn Truyền cho thấy công cụ chống tham nhũng tuy khá đầy đủ, nhưng vấn đề là công cụ ấy có chống được chính những người cầm cân nảy mực - tức là chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng như Chủ tịch Quốc hội từng nêu?

Cái đó hoàn toàn do thể chế quyết định. Giám sát sẽ rất khó khăn nếu như anh không chịu minh bạch, nhất là minh bạch về tài sản chẳng hạn. Tôi nói ngay tại Quốc hội, khi xem xét từng cá nhân, bảng kê khai tài sản cũng chỉ có ý nghĩa tại chỗ. Lẽ ra chúng ta phải công khai rộng rãi hơn để dân giám sát. Đương nhiên có vấn đề bảo vệ đời tư. Nhưng khi đã tham gia vào một chức vụ, vị trí nào đó, anh phải hy sinh, phải gương mẫu, phải công khai. Vì đó là điều kiện, chấp nhận điều kiện đó thì anh tham gia vào Quốc hội, tham gia chức vụ ấy. Nếu không thì thôi.

Công khai rộng rãi tài sản để dân giám sát ảnh 1 Nhà công vụ 12 Nguyễn Chế Nghĩa - Hà Nội, đến nay vẫn chưa thu hồi xong. Ảnh: Ngọc Châu.

Vậy có nên đặt lại vấn đề cần công khai tài sản rộng rãi hơn - kể từ khi một người ứng cử vào ĐBQH hay ứng cử vào một vị trí nào đó trong bộ máy nhà nước?

Nên công khai cái đó ra và chúng ta thực sự nên làm. Thực ra việc này thiên hạ đã làm cả rồi. Thí dụ, hạn chế chi tiêu tiền mặt, cái đó ai cũng biết, thế giới làm rồi nhưng bây giờ chúng ta đang còn rất chậm. Ngành ngân hàng đã có lộ trình để đến năm nào chấm dứt chi tiêu tiền mặt chưa? Hiện công cụ tài chính của chúng ta rất hạn chế, không đủ sức ngăn cản cái mưu ma chước quỷ rất tinh vi của tham nhũng.

ĐBQH đã vạch ra thủ đoạn tham nhũng thực ra ai cũng biết ví như cho tài sản đứng tên con cái, vợ chồng, người thân, gửi ra nước ngoài, tham nhũng trong ban phát chức vụ, nhà công vụ, tức là rất dễ thấy…?

Nếu để cho người khác đứng tên thì phải đánh mức thuế rất nặng; phải yêu cầu làm rõ nguồn gốc tài sản ấy, trong trường hợp nghi ngờ có tham nhũng. Còn nếu bắt cả những người thân thích kê khai cũng có cái khó. Nếu không cho con cái, thân thích, người ta có thể nhờ người không thân thích, đứng tên, theo kiểu làm dịch vụ. Điều đó đã có xảy ra rồi. Tôi nghĩ chống tham nhũng phải quản lý được tài sản, thu nhập trên bình diện toàn xã hội chứ không chỉ một nhóm người. 

Vậy khi phát hiện tài sản vi phạm quá nhiều nhà đất như của ông Trần Văn Truyền, cơ quan chức năng có nên đặt vấn đề về làm rõ nguồn gốc những khối tài sản khác mà con cái thân thích đứng tên?   

Việc này tôi nghĩ cũng tùy mức độ. Nếu là vấn đề hình sự thì hoàn toàn nằm trong tầm xử lý của các cơ quan chức năng. Những vấn đề mà dư luận nêu ra thì cũng nên làm rõ.

Công khai rộng rãi tài sản để dân giám sát ảnh 2 Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Là ĐBQH, ông có hiến kế gì cho Quốc hội, Chính phủ để chống tham nhũng hiệu quả hơn?

Đương nhiên tôi nghĩ đến sự minh bạch. Vì chống tham nhũng đòi hỏi sự minh bạch, gương mẫu của những người có chức có quyền, nhất là trong lực lượng chống tham nhũng. Cái thứ hai - rất quan trọng, phải tạo ra một cơ chế để cho người ta không thể không dám, không muốn tham nhũng. Làm sao để người ta không những không dám, không thể tham nhũng mà trước hết con người ta không muốn và không cần tham nhũng. Không phải chỉ là có cuộc sống khá giả, mà đặc biệt phải là từ giá trị đạo đức, tinh thần và dư luận xã hội phải đủ sức mạnh, để mọi người chấp nhận giá trị ấy thì tham nhũng mới không có đất nảy nòi.

Có phải ông muốn nói rằng hiện nay xã hội có những người chưa thực sự gương mẫu? Có ĐB nói rằng, chống tham nhũng thì chính quan chức phải gương mẫu, phải quyết liệt xử lý tham nhũng - tức là không chỉ “tắm từ vai trở xuống”?

Điều đó là rõ ràng. Tôi chưa nói anh không gương mẫu mà nói rằng anh có đủ bản lĩnh để xử lý không, khi anh bị quá nhiều ràng buộc. Tôi nghĩ chúng ta phải đi vào từng lĩnh vực mà cuộc sống đặt ra, ví dụ lĩnh vực đấu thầu, cấp dự án, cấp nhà đất mà nhà công vụ là điển hình. Nếu có ĐB đã nói rằng có tham nhũng nhà công vụ thì chúng ta hãy xem xét có đúng như vậy không. Hãy trở lại vụ việc biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa.

Cảm ơn ông!

Nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa sao rồi?

Nêu vấn đề nhà công vụ, ĐB Dương Trung Quốc lật lại vấn đề nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội): Nhà đó bây giờ xử lý sao rồi? Chúng ta hãy đi tìm hiểu lại xem. Một vụ việc khá cụ thể nhưng rộ lên rồi lại thôi, tức là chưa bao giờ đi đến cùng. “Câu chuyện 12 Nguyễn Chế Nghĩa cần làm rõ xem tại sao lại để như vậy. Thành phố Hà Nội đã nói là sẽ xử lý, nhưng rồi lại để đấy. Sao lại không đi đến cùng được?” - ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

* Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa vốn là nhà công vụ, thành phố Hà Nội sửa chữa lại, cho ông Hoàng Văn Nghiên là Chủ tịch thành phố thuê để ở. Khi thôi chức, ông nghiên đã có đơn xin mua lại theo dạng nhà 61 với giá ưu đãi. Bị dư luận phản đối, Hà Nội không đồng ý hóa giá và yêu cầu thu hồi, bố trí cho ông Nghiên chỗ ở khác. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thu hồi xong.

P.V

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
TPO - Sau vụ lùm xùm về quấy rối tình dục ở Nhã Nam, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử nội bộ và thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về quấy rối tình dục, không để đời sống riêng của cá nhân ảnh hưởng xấu tới tập thể và thương hiệu.