"Tôi không biết mình có bao nhiêu bằng khen, giấy khen. Chỉ nhớ năm 2013 được tặng thưởng 8 bằng khen, giấy khen các loại, giữa năm 2014 thì có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ", ông Phùng Mạnh Thực (Chủ tịch Hội Cựu TNXP thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) mở đầu câu chuyện.
Chỉ lên những bằng khen, giấy khen treo khắp căn phòng nhỏ của mình, ông Thực cho hay đó là nguồn động viên tinh thần lớn lao để ông "chiến đấu" với bệnh tật mỗi khi trái gió trở trời.
Sinh năm 1947, 18 tuổi ông Phùng Mạnh Thực tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong và đóng ở Nghệ An. Trong một lần cùng đồng đội sửa chữa cầu ở địa bàn huyện Diễn Châu, ông bị mảnh bom găm vào bụng.
Ông được phẫu thuật, cắt đi một bên thận nhưng thương tích của trận bom vẫn hành hạ ông đến 40 năm sau. Đầu năm 2010, do thường xuyên đau dữ dội cột sống, ông Thực đi kiểm tra mới biết, có vật lạ găm vào đốt sống. Một lần nữa ông lên bàn phẫu thuật và các bác sĩ tìm ra mảnh bom dài 1,5 cm; rộng 0,5 cm ở đốt sống thứ ba của ông.
Người thương binh hạng 4/4 luôn sống lạc quan và hết lòng với công việc. Ảnh: Minh Minh.
Rời chiến trường năm 1970, mất sức 21%, thương binh 4/4 Phùng Mạnh Thực về quê lao động sản xuất và xây dựng gia đình. Ông chia sẻ: “Khi tôi mới về, cũng có nhiều người rỉ tai nhau về chuyện không nên gả con gái cho vì tôi đã bị mất một bên thận, khó có khả năng sinh con”.
Nhưng chỉ vài tháng sau khi kết hôn, hạnh phúc đã mỉm cười với người thương binh khi vợ ông mang thai con gái đầu lòng, rồi đứa thứ hai, thứ ba... “Vợ chồng tôi sinh được 9 đứa, giờ đã trưởng thành và có cuộc sống riêng. Chỉ một đứa sinh năm 1981 đang sống cùng bố mẹ do bị thiểu năng trí tuệ”, ông cho biết.
Sức khỏe yếu, gia đình đông con, kinh tế nhiều khó khăn nhưng Chủ tịch Hội Cựu TNXP thôn Hòa Trúc luôn lạc quan, hết mình với công việc. Những cố gắng, nỗ lực của ông Chủ tịch được ghi nhận với rất nhiều bằng khen, giấy khen.
Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, ông Thực đã 3 lần hiến đất để làm đường giao thông nội đồng. Năm 2013, ông hiến tổng cộng hai lần là 990 m2 đất nông nghiệp. Năm 2014, ông hiến cho thôn Bạch Thạch 90 m2 đất. Tính tổng cộng cả 3 lần, ông đã hiến 1.080 m2 đất.
Con đường nội đồng được ông Thực hiến hàng ngàn mét vuông đất sẽ sớm được bê tông hóa tạo thuận lợi cho cach tác nông nghiệp của người dân. Ảnh: Minh Minh.
Năm 2013, biết hoàn cảnh của ông khó khăn, căn nhà cấp 4 xây dựng cách đây hơn 30 năm đã xuống cấp, xập xệ, Ủy ban MTTQ huyện và Hội Nông dân huyện Quốc Oai đã trợ giúp gia đình ông 60 triệu để sửa sang ngôi nhà, nhưng ông từ chối.
Người cựu thanh niên xung phong tâm sự: “Không phải gia đình tôi không cần số tiền ấy, nhưng tôi nghĩ, nhiều đồng đội khác của tôi khó khăn hơn, cần số tiền đó hơn. Tôi vẫn có thể bươn chải, lo liệu được cuộc sống cho gia đình mình”.
Ngày 6/10, Hà Nội đã ban hành quyết định về việc tặng danh hiệu cho 10 "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2014 với tổng số tiền thưởng là 100 triệu đồng. Lễ trao tặng sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, đúng dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô 10/10. Ngoài ông Phùng Mạnh Thực, 9 công dân thủ đô ưu tú năm 2014 gồm:
1. Ông Dương Tuấn Anh - Công nhân lái xe tuyến buýt số 50 - Xí nghiệp xe buýt 10/10 Hà Nội: nhiều lần được nhận danh hiệu người tốt việc tốt, chiến sĩ thi đua và giải thưởng Vô lăng vàng vì sự tận tình với công việc.
2. Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: là Phó ban liên lạc tù binh Việt Nam, ông trực tiếp cùng đồng đội tìm được 1.620 hài cốt liệt sĩ bị địch thủ tiêu tại nhà tù Phú Quốc, tự nguyện góp tiền xây bảo tàng trưng bày kỷ vật chiến tranh trên khu đất hơn 2.000m2 của dòng họ tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
3. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1945) - nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, hiện là Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng Trường THDL Đoàn Thị Điểm: nhiều năm được tặng bằng khen của TP; Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Ba năm 2012.
4. Đại tá Trần Đức Long - Chánh Thanh tra Công an TP, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Hà Nội: 2 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến Công hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2013, 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND và nhiều lần được Bộ Công an và UBND TP tặng bằng khen.
5. Bà Hồ Hương Nam - phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám: sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác xã hội. Học sinh của bà đều thuộc dạng khuyết tật như trẻ em câm, điếc bẩm sinh, trẻ em tự kỷ.
6. Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Tổng giám đốc, đồng Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Tập đoàn BRG: đi đầu trong việc đầu tư phát triển những môn thể thao giải trí cao cấp, tạo công ăn việc làm cho trên 700 lao động địa phương, góp phần quảng bá cho du lịch của Hà Nội.
7. Nhạc sĩ Phú Quang: Là một trong những nhạc sĩ có nhiều bài hát hay, sâu sắc về Hà Nội như: “Em ơi Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”… Từ năm 1990 đến nay, cứ mỗi mùa thu về, ông là nhạc sĩ duy nhất cả nước có chương trình âm nhạc của riêng mình về Hà Nội, tạo nên một hoạt động văn hoá rất đặc biệt chào mừng ngày giải phóng Thủ đô (10/10).
8. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức: lãnh đạo bệnh viện đầu ngành đóng trên địa bàn thủ đô nổi tiếng cả nước về phẫu thuật ngoại khoa, một trong số ít những bệnh viện được thành lập sớm nhất ở Việt Nam.
9. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Trọng: hơn 60 năm lao động, sáng tạo trong lĩnh vực khảm tam khí, chạm bạc. Hầu hết sản phẩm mỹ nghệ của ông làm bằng tay rất kỳ công. Những sản phẩm lưu niệm đặc biệt đó thường là tranh phong cảnh tiêu biểu của đất nước, con người Việt Nam...
Theo Minh Minh