Trong bưu phẩm, hình ảnh xe, giờ phút mà bạn đạp thốc ga khi qua thị trấn của tỉnh đó rõ rành rành. Cuộc gọi hôm nọ không phải một trò lừa đảo. Từ biển số xe chính chủ, cơ quan chức năng đã có số căn cước công dân của anh bạn tôi. Trong dữ liệu căn cước công dân có số điện thoại nên cán bộ công an đã gọi đúng người, gửi thư trúng địa chỉ. Một dữ liệu dân cư đầy đủ, số điện thoại chính xác quả là lợi hại.
Cú tiếp xúc với dữ liệu dân cư điện tử đầu tiên của bạn tôi quả là không êm đẹp. Nhưng ví như, xe bạn bị trộm, ví bị cướp, con cái bạn bị lạc…, cơ quan chức năng có thể liên lạc ngay với bạn bằng số điện thoại chính chủ lại là một trạng huống rất tích cực.
Việc chuẩn hóa số thuê bao di động đang được thực hiện lần này nằm trong lộ trình tra soát để sử dụng dữ liệu dân cư trong các trường hợp như trên. Như Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố là nhằm thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ. Đề án xác định: “Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”. Và trong dữ liệu dân cư đó, số điện thoại là cửa ngõ kết nối nhanh nhất giữa Nhà nước với công dân. Những ngày qua, các điểm giao dịch của các nhà mạng luôn chật ních người đến cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa thuê bao, để làm công dân số. Đây là ưu điểm, là thuận lợi của xã hội ta so với nhiều nước trên thế giới.
Nhưng sau khi làm tròn trách nhiệm công dân số, người dân có được sống trong một môi trường số yên ổn? Từ bán hàng qua điện thoại đến trò lừa đảo thông qua chiêu thức tặng tiền, tặng quà, thậm chí đóng tiền để khỏi bị khởi tố, bắt giam xảy ra nhan nhản. Mới nhất, trò lừa đảo nhẫn tâm: Gọi người nhà chuyển tiền viện phí vì con bị tai nạn ở trường làm náo loạn trường học. Ngay cả trong đợt chuẩn hóa số thuê bao đang diễn ra này cũng không thiếu những kẻ thừa cơ lừa đảo.
Tại các cửa hàng bán sim số, phóng viên vẫn được mời mua hàng tệp sim được đăng ký sẵn tên tuổi. Kỳ lạ hơn, trên các trang thương mại điện tử, sim đã được đăng ký sẵn tên thuê bao được bán công khai với giá trên dưới 10.000 đồng/sim. Đó là gì, nếu không phải nhà mạng, nhân viên nhà mạng đang tìm mọi cách để chiếm lĩnh, phủ sóng thuê bao? Không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng, nhà mạng “thích” thuê bao rác hơn vì các thuê bao này nhắn tin, gọi điện, dùng internet nhiều hơn và mang lại cho họ doanh thu cao hơn?
Có lẽ, trước khi kêu gọi văn hóa kinh doanh của nhà mạng, sự tử tế của nhóm người lừa đảo, cái cần nhất vẫn là cơ chế quản lý. Bởi, sau khi làm tròn trách nhiệm, công dân số xứng đáng được sống trong một môi trường sạch, không sim rác, cuộc gọi rác…