Chuyên gia hiến kế giúp phụ huynh tránh thầy giáo giả mạo gọi điện lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
Liên tiếp các vụ Lỗ hổng thông tin đang khiến chúng ta đối mặt với nhiều rủi ro và điều các bậc phụ huynh nên làm lúc này là trang bị kiến thức, nhận diện, có biện pháp phòng tránh nạn giả mạo thầy giáo gọi điện lừa đảo.

Nhận diện lừa đảo…

Theo các chuyên gia, không khó để nhận biết tin nhắn, cuộc gọi giả mạo của kẻ lừa đảo. Phụ huynh chỉ cần bình tĩnh và đọc kỹ tin nhắn thì đều dễ dàng nhận ra.

Chuyên gia hiến kế giúp phụ huynh tránh thầy giáo giả mạo gọi điện lừa đảo ảnh 1

Toàn cảnh tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học” do báo Tiền Phong tổ chức tại trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) ngày 17/3

Tại tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học” do báo Tiền Phong tổ chức hôm 17/3, thầy Nguyễn Đình Độ - Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho rằng, nhà trường và phụ huynh phối hợp thật tốt thì sẽ hạn chế được vấn nạn này. Khi tiếp nhận thông tin, phụ huynh cần gọi cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh con em mình có thật sự gặp nạn hay không.

Thầy Độ cũng chỉ ra một số điểm giúp phụ huynh nhanh chóng xác định được yếu tố lừa đảo. Theo đó, phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác với những tin nhắn sai chính tả bởi giáo viên khó mà viết sai. Đó chắc chắn không phải thầy cô của con em mình.

TS Lê Mạnh Hải - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Gia Định cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin, trí tuệ nhận tạo phát triển như vũ bão thì việc dựng hiện trường giả để tạo ra các vụ lừa đảo là không khó. Tuy nhiên, trong các vụ việc lừa đảo, nếu tỉnh táo, tinh ý hơn thì phụ huynh sẽ rất dễ nhận diện thủ đoạn lừa đảo bởi các đối tượng đều mạo danh tổ chức này tổ chức kia nhưng khi nhắn số tài khoản chuyển tiền thì lại là tài khoản cá nhân.

“Trong vụ việc này, người mạo danh thông báo yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp cho bệnh viện để mổ, cấp cứu nhưng tài khoản thụ hưởng không phải là của bệnh viện mà lại là một cá nhân”, ông Hải chỉ ra lỗ hổng trong các vụ lừa đảo mới đây và khuyến cáo người dân tuyệt đối không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trong mọi tình huống khi mà bản thân mình không rõ về người đó.

Chuyên gia này cho biết thêm, nếu là các tổ chức, cơ quan chức năng thì tên tài khoản cũng là tên của tổ chức, cơ quan đó, không thể là tên cá nhân được.

Ở góc độ công nghệ thông tin, ông Hải cũng đề xuất các ngân hàng cần chung tay ngăn chặn các vụ lừa đảo qua không gian mạng như hiện nay.

Chuyên gia hiến kế giúp phụ huynh tránh thầy giáo giả mạo gọi điện lừa đảo ảnh 2

TS Lê Mạnh Hải - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Gia Định

“Trên app chuyển tiền, nên chăng, các ngân hàng thiết kế thêm mục khẩn cấp. Khi người dân chuyển tiền gấp nhưng có yếu tố nghi ngờ, họ có thể ấn vào mục khẩn cấp này. Tiền ngay khi được chuyển vẫn đến tài khoản bên kia nhưng tạm thời chưa thể thực hiện các giao dịch khác như rút tiền hay chuyển khoản tiếp mà cần thêm 5 - 10 phút để xác thực từ chủ tài khoản trước đó”, ông Hải đề xuất.

Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa vào chương trình học

Theo luật sư Lưu Phương Nhật Thùy, Giám đốc Chương trình ngành Luật Trường ĐH Gia Định, phương thức lừa đảo nói trên là phương thức phạm tội mới, thủ đoạn hết sức tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

Theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đây là hành vi có thể cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tùy theo mức độ phạm tội, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất là chung thân.

Chuyên gia hiến kế giúp phụ huynh tránh thầy giáo giả mạo gọi điện lừa đảo ảnh 3

Luật sư Lưu Phương Nhật Thùy, Giám đốc Chương trình ngành Luật Trường ĐH Gia Định

Tuy nhiên, bà Thùy cho rằng, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành một kho lưu trữ khổng lồ mà nếu không có biện pháp bảo vệ tương xứng, đúng cách thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm hay các phần tử xấu lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh thông tin.

“Để tránh bị lộ dữ liệu, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp chính mình, chính doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là những chủ thể cần xem trọng việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư của mình và có những cách thức phù hợp để bảo đảm an ninh thông tin của mình”, bà Thùy khuyến cáo.

Nữ chuyên gia nói trên cũng đề xuất, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng… (Điều 26 Luật An ninh mạng 2018). Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng phải tuân thủ những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và những quy định pháp luật có liên quan.

“Đặc biệt, nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, tổ chức thường xuyên những buổi toạ đàm, báo cáo chuyên đề, những sân chơi học thuật (cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phiên toà giả định….) nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác trước những hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật tinh vi như hiện nay”, bà Thùy nói.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, mỗi ngày trung tâm an ninh mạng Athena tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ không giới hạn về địa lý. Cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát tại TPHCM mà có thể gọi đến từ nước ngoài. Tội phạm công nghệ kiếm tiền phi pháp lợi dụng sự hiểu biết của họ, sự phát triển của công nghệ để xâm nhập, tấn công cộng đồng.

“Học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy là vấn đề đang tồn tại bởi trẻ không lường được rủi ro, cạm bẫy trên không gian mạng. Luật an ninh mạng, an toàn thông tin cần phải có chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh, từ đó phòng tránh hiệu quả các rủi ro”, ông Thắng nói.

MỚI - NÓNG