Một trong các hành vi nghiêm cấm đối với công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng là mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động đã đăng ký…
Tuy nhiên, như đã nêu, PV Tiền Phong chứng thực được các giấy tờ không cần bản gốc tại các địa điểm ở nội thành Hà Nội và nhận lại là các chứng thực từ những văn phòng công chứng ở các huyện, thị ở ngoại thành. Điều đó có nghĩa là, các địa điểm trong nội thành trở thành “đại lý”, chân rết cho các văn phòng công chứng ngoại thành.
Các “đại lý” này mở và hoạt động công khai như một văn phòng công chứng và nhân viên khẳng định có thể làm được các giao dịch quan trọng trong chốc lát. Tại số 103 ngõ Núi Trúc (Ba Đình), biển bảng của cơ sở này ghi “Văn phòng luật sư Thiên Dương - Dịch Vụ Công Chứng, Dịch Thuật”, chỉ 5 phút sau khi nộp bản chính, phóng viên nhận được bản sao chứng thực do công chứng viên Đỗ Thị Chinh - Văn phòng công chứng Dương Hương ký xác nhận. Trong khi đó, trong giấy phép kinh doanh số 96/TP-ĐKKD, văn phòng công chứng này đăng ký hoạt động tại số 6, khu Hòa Sơn, thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ.
Tại số 267 Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), trên biển ghi “Thành Đạt translation - Dịch Thuật - Phiên Dịch”, phía dưới cửa kính ghi nhiều dòng quảng cáo “Dịch thuật lấy ngay trong ngày, dịch thuật công chứng” đỏ rực. Thực hiện chứng thực chứng minh nhân dân tại đây, kết quả mà chúng tôi nhận được là bản sao y đầy đủ dấu đỏ nhưng lại do Công chứng viên Trương Thị Nga - Văn phòng công chứng Trương Thị Nga có địa chỉ đăng ký tại số nhà A4TT19, phường Phúc La, quận Hà Đông thực hiện.
Các căn phòng công chứng này không những đặt điểm giao dịch tùy tiện mà còn thu phí cao hơn quy định. Theo quy định, phí chứng thực là 2.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, tối đa không quá 200.000 đồng/tài liệu. Nhưng thực tế, mức phí công chứng ở địa chỉ 267 Trần Đăng Ninh với 5 bản sao y chứng minh thư có giá 50.000 đồng. Tại địa chỉ 103 ngõ Núi Trúc (Ba Đình) lại có giá là 20.000 đồng/bản.
Cá biệt hơn, khi chứng thực qua mạng mà không cần bản chính, giá mỗi bản chứng thực tăng lên gấp hàng chục lần. Như chứng thực 5 bản bằng đại học không có bản gốc được một phường ở Hà Đông xác nhận nêu trên có giá 400.000 đồng. Hay chứng thực 10 bản bằng cấp 3 và chứng minh thư, nhân viên thu tới 350.000 đồng (hồ sơ này do Văn phòng công chứng Trịnh Như Tố và Văn phòng công chứng Chu Cảnh Hưng đóng dấu xác nhận sao y).
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội: “Quá nguy hiểm”
Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, hiện nay Sở đang quản lý, giám sát hoạt động 10 phòng công chứng nhà nước và 112 văn phòng công chứng tư trên địa bàn Hà Nội.
Khi phóng viên cung cấp thông tin về một số văn phòng công chứng thực hiện chứng thực không xuất trình bản chính, chỉ cần gửi ảnh chụp bản chính qua email thì bà Hương khẳng định như vậy sai với quy định.
“Gửi ảnh bản chính qua email là sai hoàn toàn, phải có bản gốc trình trước mặt công chứng viên. Như vậy là quá nguy hiểm vì người ta có thể làm giả mạo”, bà Hương nói. Bà Hương cũng khẳng định các văn phòng công chứng ngoại thành núp bóng các văn phòng luật sư hay công ty dịch thuật để tiến hành công chứng trong nội thành là sai với quy định của pháp luật.
Kiến Nghĩa - Nguyễn Thắng