Theo JBAV, Luật BHXH 2014 quy định định kỳ 6 tháng, người sử dụng lao động phải niêm yết công khai thông tin đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, JBAV cho rằng, việc công khai thông tin đóng BHXH là nghĩa vụ của cơ quan bảo hiểm, không phải việc của DN và làm tăng gánh nặng công việc gây ảnh hưởng tới kinh doanh.
“Thông tin đóng BHXH là thông tin cá nhân, việc công khai thông tin cá nhân là hành vi bị cấm theo Luật Dân sự. Ngoài ra, việc công khai thông tin không hợp lý và thể hiện sự chênh lệch về phí nhân công có nguy cơ làm gia tăng sự bất mãn của người lao động và có thể dẫn tới tranh chấp lao động”, ông Tokuyama Sihmon, Chủ tịch JBAV nói.
Do đó, JBAV kiến nghị, thông tư hướng dẫn thi hành Luật BHXH phải nói rõ về việc hoàn thiện hệ thống, cơ chế để người được bảo hiểm có thể tự xem thông tin của chính mình. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm là đơn vị vận hành hệ thống đó. Ngoài ra, JBAV cũng kiến nghị, các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật BHXH cần làm rõ định nghĩa “phụ cấp lương” và “khoản bổ sung khác” bổ sung vào căn cứ xác định tiền BHXH.
Theo JBAV, việc không rõ ràng định nghĩa có thể dẫn tới sự khác nhau trong việc hiểu và áp dụng tại từng cơ quan BHXH, dẫn tới không công bằng giữa các doanh nghiệp, gây phản đối trong công nhân.