Thoạt trông vẻ bề ngoài, con tàu vỏ thép chở hàng có tên Dawnlight không mấy khác những chiếc tàu container bình thường ngày ngày vẫn qua lại trên các tuyến hàng hải nhộn nhịp khu vực Đông Á và ra vào các cảng của Singapore.
Điều khác biệt là tàu Dawnlight bị tình nghi làm ăn bất hợp pháp với Triều Tiên. Từ năm 2015, chính phủ Mỹ đã đưa con tàu này vào danh sách đen, do tàu thuộc sở hữu một công ty Singapore bị nghi trợ giúp Bình Nhưỡng thực hiện chương trình vũ khí, trước khi họ nói rằng họ đã bán con tàu này hai tháng sau đó.
Theo dữ liệu Washington Post có được, con tàu vẫn đi lại như con thoi giữa Singapore và bán đảo Triều Tiên, đôi lúc lại ghé vào Trung Quốc. Trong vòng 3,5 tháng qua, tàu 9 lần tới bán đảo Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt với Triều Tiên cấm việc giao dịch một số loại hàng hóa, bao gồm những mặt hàng có thể được sử dụng trong các chương trình vũ khí thông thường và hạt nhân. Dù vậy, các mặt hàng thương mại thông thường vẫn được phép giao dịch. Chỉ có điều, cơ chế giám sát tại các hải cảng trong khu vực không thể bao quát hết, nên sẽ khó xác định mặt hàng nào được đưa tới Triều Tiên.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc hôm 24/2 thống nhất một bản dự thảo nghị quyết về việc mở rộng trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan tới vụ thử hạt nhân gây tranh cãi của nước này, hoạt động vận tải biển đang trở thành tâm điểm chú ý.
Nhật Bản đến nay đã đơn phương cấm các tàu Triều Tiên, cũng như tàu của các nước thứ ba từng đến Triều Tiên cập cảng nước mình. Hàn Quốc cũng cấm cửa tàu Triều Tiên, và đang cân nhắc mở rộng lệnh cấm đối với bất kỳ tàu nào từng đến quốc gia láng giềng phía Bắc.
Các lệnh trừng phạt tăng cường được Tổng thống Mỹ Obama ký ban hành hôm 18/2 yêu cầu chính quyền nước này thông báo với các cảng biển, sân bay nước ngoài về những thiếu sót trong quá trình kiểm tra phương tiện có nguồn gốc từ Triều Tiên.
Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chun Yung-woo, "những con tàu là cách tốt nhất để Triều Tiên vận chuyển vũ khí hạt nhân". Do đó, việc kiểm soát các con tàu "không chỉ nhằm kiềm chế Triều Tiên, mà còn giúp bảo vệ chính chúng ta", ông nói.
Dù vậy, khó khăn trong việc giám sát tàu Dawnlight cho thấy những hạn chế của các lệnh trừng phạt quốc tế, khi con tàu có thể hoạt động hoàn toàn hợp pháp. Nhưng vẫn có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ: Tàu chở hàng gì? Nó đang đi về đâu? Ai là chủ sở hữu thực sự.
Lệnh cấm vận bị phớt lờ
Trung Quốc là quốc gia có đường biên giới chung với Triều Tiên dài nhất, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, hầu hết hàng hóa đến Triều Tiên bằng đường biển đều qua các trạm trung chuyển của Đông Nam Á, mà Singapore là một trong những điểm lớn nhất.
Theo Washington Post, để tăng tính cạnh tranh cho các cảng biển, Singapore luôn chú trọng vào tốc độ và hiệu quả xử lý hàng hóa trên các chuyến tàu. Cảng vụ nước này thông thường chỉ kiểm tra hàng hóa vận chuyển khi có tin tức tình báo cho thấy có vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế.
Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên từng phụ trách các vấn đề Triều Tiên cho biết Singapore sẽ thực thi các lệnh cấm vận đa phương, nhưng không tuân theo các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nếu công ty bị trừng phạt không đồng thời vi phạm luật pháp Singapore.
"Chúng tôi nhìn chung phớt lờ các lệnh trừng phạt đơn phương", một cựu quan chức Singapore giấu tên cho biết. "Các đề nghị của Mỹ được chuyển tới nhiều đến độ chúng tôi phải rất chọn lọc trong hành động. Chúng tôi có hàng triệu container được chuyển tới mỗi ngày".
Trường hợp của tàu Dawnlight là một ví dụ điển hình. Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 7/2015 trừng phạt công ty Senat Shipping của Singapore cùng chủ tịch công ty này là Leonard Lai vì bị cáo buộc làm ăn với các tổ chức Triều Tiên và tham gia mua vũ khí cho nước này. Dawnlight bị đưa vào danh sách đen, do tàu thuộc sở hữu của Senat, đồng nghĩa với việc mọi cá nhân, tổ chức của Mỹ bị cấm giao dịch với công ty hoặc con tàu trên.
Senat phản đối lệnh cấm vận, và khẳng định họ chỉ vận chuyển những hàng hóa thương mại hợp pháp, không còn có "quan hệ làm ăn" với Triều Tiên từ cuối năm 2011. Công ty này không bị Liên Hợp Quốc trừng phạt, có nghĩa là Senat và ông Lai được phép hoạt động cả ở Singapore và nước ngoài, bao gồm việc điều tàu tới Triều Tiên.
Dựa vào dữ liệu trên dịch vụ chuyên theo dõi tàu thuyền MarineTraffic, Washington Post quan sát được tàu the Dawnlight 9 lần có những chuyến đi từ Singapore và một cảng của Trung Quốc tới gần Triều Tiên. Dù vậy, không lần nào họ thấy tàu cập cảng Triều Tiên.
"Con tàu có thể đã vào một cảng của Triều Tiên, nhưng do chúng tôi không có bất kỳ ăng-ten nào gần đó, rõ ràng chúng tôi không thể biết điều gì đang diễn ra với nó", Argyris Stasinakis, từ MarineTraffic, cho biết.
Trong chuyến đi mới nhất, chiếc tàu tới cảng Busan, Hàn Quốc trước khi quay đầu hôm 14/2 và trở về mà không cập cảng nào, dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động trên tàu (AIS) cho thấy. Đích đến ban đầu của tàu theo như khai báo của thủy thủ đoàn là cảng Chiba của Nhật. Nhưng trong sáng 12/2, tàu lại thay đổi điểm đến thành cảng Tĩnh Giang, trên sông Dương Tử của Trung Quốc.
Chủ sở hữu bí ẩn
Luật sư của công ty Senat và ông Lai khẳng định tàu chưa bao giờ có ý định hay liên quan đến hoạt động phi pháp. Công ty cho biết tàu đã được bán cho một công ty Hong Kong có tên Bene Star hôm 21/9 năm ngoái, với giá 2,2 triệu USD. Vị luật sư tên Thong cũng trưng ra giấy chứng nhận xóa đăng kiểm tàu tại Mông Cổ của Dawnlight vào hôm 26/8, 34 ngày sau khi công ty Senat bị Mỹ trừng phạt, tức là kể từ thời điểm đó, tàu sẽ không treo cờ Mông Cổ nữa.
Vậy nhưng, trong lần gần nhất Dawnlight bị kiểm tra tại một cảng ở vùng Viễn Đông của Nga hồi tháng 10, tàu vẫn treo cờ Mông Cổ, theo tổ chức Tokyo MOU, chuyên giám sát các cảng tại châu Á. Thậm chí đến nay, cơ quan đăng kiểm tàu biển quốc tế và Tokyo MOU đều nói rằng Dawnlight vẫn thuộc sở hữu của Senat, và đăng ký tại Mông Cổ. Bộ Tài chính Mỹ thì khẳng định không được thông báo về việc Senat bán tàu, và lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực.
Tờ Washington Post đã tìm cách liên lạc với Bene Star theo các số điện thoại và địa chỉ email như trong hồ sơ đăng ký, nhưng đều không có phản hồi.
Là quốc gia có quan hệ mật thiết với Mỹ, việc giám sát hoạt động của các tàu thuyền Triều Tiên là thách thức lớn với Singapore. Chính phủ nước này thừa nhận rất khó để cân bằng giữa tốc độ xử lý hàng hóa trên tàu thuyền với sự thận trọng về nguồn gốc của chúng.
Những hành động gần đây cho thấy Singapore đã bắt đầu có cách tiếp cận cứng rắn đối với những công ty trung gian làm việc cho Triều Tiên, một quan chức Singapore giấu tên cho biết. Người này nhắc tới vụ xét xử Chinpo Shipping, công ty bị phát hiện phạm luật hồi tháng 12 năm ngoái do chuyển tiền hộ công ty Ocean Maritime Management của Triều Tiên, vốn bị cả Mỹ và Liên Hợp Quốc cấm vận.
Đây chính là công ty quản lý tàu Chong Chon Gang, bị phát hiện năm 2013 khi đang trên đường từ Cuba tới Triều Tiên, mang theo các bộ phận của hai chiến đấu cơ MiG sản xuất từ thời Liên Xô, cùng tên lửa đất đối không và súng chống tăng, được giấu bên dưới 10.000 tấn đường.
"Kết quả của vụ Chinpo phát đi tín hiệu tốt và có tác dụng răn đe", vị quan chức Singapore nhận định.
Tuy nhiên, khi các quan chức Mỹ và Liên Hợp Quốc đang bàn thảo những biện pháp trừng phạt mới, các nhà ngoại giao cho rằng cần phải lưu ý tới ưu tiên của các quốc gia trong khu vực.
"Quan điểm thường thấy tại Đông Nam Á là càng nhiều hoạt động thương mại và kết nối kinh tế càng tốt", Euan Graham, từng là một nhà ngoại giao tại đại sứ quán Anh ở Bình Nhưỡng, cho biết. "Điều đó có thể là một phần nguyên nhân giải thích cho việc khu vực này không muốn dành ưu tiên cao hơn cho các lệnh trừng phạt".
Hoàng Nguyên